Thứ sáu, 19/4/2024
Thứ tư, 2/10/2019, 00:00 (GMT+7)

Khói rơm rạ phủ trắng cửa ngõ Hà Nội

Vào mùa gặt, người dân các huyện ngoại thành lại đốt rơm rạ, khói mù mịt gây ô nhiễm không khí và ảnh hưởng giao thông.

Những ngày này, trên các cánh đồng huyện ngoại thành Thanh Trì, Phúc Thọ, Quốc Oai, Đông Anh... đang bước vào vụ gặt, người dân đốt rơm rạ tại ruộng gây nên cảnh khói trắng dày đặc.

"Trước kia lúa sau khi lúa gặt xong, rơm được người dân phơi khô để mang về đun nấu. Nhưng giờ không còn đun bếp này nữa nên rơm chỉ mang về lót ổ cho động vật, rơm đẹp để bán. Gốc rạ thì đốt tại cánh đồng để lấy tro làm phân cho vụ sau", bà Nguyễn Thị Lan, ở huyện Phúc Thọ cho biết. 

Theo báo cáo của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Phúc Thọ, vụ mùa năm 2019, toàn huyện trồng khoảng 3.000 ha lúa.

Sáng 1/10, tại cánh đồng của xã Kiến Hưng, người dân đốt những bó rơm cuối cùng khi vụ gặt đã qua 10 ngày.

Rơm sau thu hoạch chỉ một phần được bán cho các cơ sở trồng nấm, chăn nuôi và một số hộ dùng để che phủ cho cây đậu tương vụ đông, phần còn lại được đốt ngay trên cánh đồng.  

Lúa sau khi gặt xong, phần thân vẫn còn tươi bị đốt cháy gây ra lượng khói lớn phát tán vào không khí. Tại huyện Đông Anh, mỗi năm phát sinh khoảng 30.000 tấn rơm rạ, trong đó có khoảng 4.500 tấn bị đốt ngoài đồng...

Rơm được đốt khắp nơi. Sau khi đốt xong rơm được thu gom rải đều trên mặt ruộng, nhưng để lại hậu quả là khắp nơi không khí đậm đặc khói.

Trên tỉnh lộ 417, đoạn từ xã Võng Xuyên về thị trấn Gạch (huyện Phúc Thọ), khói mịt mù bao phủ, tầm nhìn của người đi đường bị hạn chế. Cùng với đó là hiện tượng khó thở. 

Từ năm 2017, Hà Nội đã triển khai kế hoạch hạn chế, tiến tới chấm dứt đốt rơm rạ vào năm 2020.

Một phần khói từ những vụ đốt rơm rạ này bay vào nội thành, gây ra tình trạng ô nhiễm không khí trầm trọng. Những tòa nhà cao tầng của khu đô thị Linh Đàm mờ ảo trong làn khói, bụi.

Đường Giải Phóng chiều tối ngày 1/10 chìm ngập trong khói trắng.

Báo cáo kết quả quan trắc 18 ngày cuối tháng 9 của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng việc đốt rơm rạ ở ngoại thành Hà Nội cũng là nguyên nhân khiến không khí ô nhiễm. Trong tháng 9/2019 nồng độ bụi siêu mịn PM2.5 tăng mạnh so với các tháng trước đó và cao hơn cùng kỳ những năm từ 2015-2019.

Ngọc Thành