Thứ sáu, 19/4/2024
Thứ ba, 15/10/2019, 15:00 (GMT+7)

Hoa hồng trở thành giống cây trồng phổ biến ở Đồng Văn

Loại cây này có giá trị kinh tế cao, thích hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở vùng cao nguyên đá.

Năm 2004, Trung tâm Giống cây trồng và vật nuôi Phó Bảng, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang trồng khảo nghiệm thành công giống hoa hồng có nguồn gốc từ Pháp và các giống hồng được lấy từ Đà Lạt, Sa Pa.

Năm 2013, trung tâm được tỉnh Hà Giang phê duyệt và triển khai thực hiện dự án: "Hoàn thiện quy trình kỹ thuật nhân giống vô tính và phát triển sản xuất một số giống hoa hồng tại Đồng Văn". Dự án đặt mục tiêu xây dựng hoàn thiện quy trình kỹ thuật sản xuất giống hoa hồng bằng phương pháp nhân giống vô tính phù hợp với điều kiện tự nhiên tại Phó Bảng và các vùng phụ cận, tạo được vùng sản xuất giống hàng hóa tại chỗ nhằm giảm giá thành, chủ động được nguồn giống; qua đó tạo công ăn việc làm, góp phần chuyển đổi sản xuất nông nghiệp sang sản xuất hoa thương mại mang tính hàng hóa, nâng cao thu nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số...

Sản lượng thu hoạch trung bình là 300.000 bông/ha/năm với mức giá dao động từ 2.500 đến 3.000 đồng/bông.

Sản lượng thu hoạch trung bình là 300.000 bông/ha/năm với mức giá dao động từ 2.500 đến 3.000 đồng/bông.

Anh Mai Tự Truyền, Trưởng phòng Kế hoạch kỹ thuật, Trung tâm Giống cây trồng và vật nuôi Phó Bảng cho biết huyện Đồng Văn nói chung, thị trấn Phó Bảng nói riêng có khí hậu, thiên nhiên ưu đãi, nhiệt độ trung bình hàng năm từ 25 đến 27 độ C, phù hợp cho cây hoa hồng sinh trưởng phát triển tốt.

Chuyển dịch cơ cấu cây trồng trong điều kiện trình độ dân trí còn thấp, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, tập quán canh tác lạc hậu là bài toàn khó. Tuy nhiên, lãnh đạo huyện Đồng Văn vẫn quyết tâm từng bước mở hướng đi mới, phát triển các loại cây có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng.

Đến nay, huyện có gần 20 hộ trồng hoa hồng. Trung bình mỗi hộ có 1.000 đến 2.500 m2 (khoảng 12.500 cây, cho 75.000 bông/lứa). Những năm qua, việc trồng hoa hồng đã đem lại thu nhập khá cho một số hộ dân ở thị trấn Phó Bảng.

Gia đình chị Lý Thị Sủi, thôn Xóm Mới, thị trấn Phố Bảng là một trong những hộ trồng hoa có hiệu quả. Chị Sủi chia sẻ năm 2009, Nhà nước có chủ trương hỗ trợ nhân dân ở thị trấn trồng hoa hồng, để chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Gia đình chị tham gia trồng thử 4.000m2. Đến thời điểm này, gia đình đã mở rộng diện tích lên 10.000m2. Mỗi năm thu về từ 500 - 600 triệu đồng, trừ mọi chi phí, thu lãi được 200 - 300 triệu/năm. Đối với gia đình chị, đó là một khoản tiền lớn, đảm bảo đời sống ấm no và ổn định.

Chia sẻ về những hiệu quả của mô hình trồng hoa hồng trên cao nguyên đá Đồng Văn, ông Vũ Phong, cán bộ nông nghiệp của thị trấn Phó Bảng, huyện Đồng Văn cho biết hiện, bà con đang duy trì trồng giống hoa hồng đỏ Pháp và hoa hồng mầu. Sản lượng thu hoạch trung bình là 300.000 bông/ha/năm với mức giá dao động 2.500 - 3.000 đồng/bông. Mỗi ha trồng hoa thu được 600 triệu đồng/năm. Đây là mức thu nhập cao trên một đơn vị canh tác hiện nay ở Hà Giang. Tuy nhiên, thời tiết Đồng Văn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nhiều đến năng suất hoa trong từng thời điểm.

Bà con được hỗ trợ cây giống, hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc hoa hồng.

Bà con được hỗ trợ cây giống, hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc hoa hồng.

Tuy có nhiều thuận lợi nhưng mô hình trồng hoa hồng tại Đồng Văn cũng gặp nhiều khó khăn: vốn đầu tư sản xuất lớn; giá cây giống 4.000 - 5.000 đồng/cây; thuốc bảo vệ thực vật dùng cho sản xuất đa số là thuốc đặc trị đắt tiền. Vì vậy, muốn mở rộng quy mô trồng hoa hồng cần có hỗ trợ của nhà nước. Như vậy, người nông dân mới có thể tiếp cận mở rộng vùng sản xuất hoa hồng trên địa bàn huyện Đồng Văn.

Ngày 16/5, Sở Khoa học và Công nghệ Hà Giang đã phê duyệt dự án Xây dựng nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm hoa hồng Đồng Văn - Hà Giang tại quyết định số 52/QĐ- SKHCN, với mục tiêu phát triển cây hoa hồng của huyện theo hướng bền vững thông qua việc xây dựng, phát triển và quản lý nhãn hiệu sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người sản xuất góp phần xóa đói giảm nghèo phát triển du lịch. Thời gian thực hiện dự án 18 tháng. Tổng kinh phí thực hiện là 408,5 triệu đồng. Đây sẽ là bước đi tiếp theo nhằm đẩy mạnh phát triển cây có giá trị kinh tế cao, tiến tới góp phần xóa đói giảm nghèo cho đồng bào các dân tộc tại huyện Đồng Văn nói riêng và tỉnh Hà Giang nói chung.

Đỗ Hiên

Chia sẻ bài viết qua email