Thứ sáu, 29/3/2024
Thứ ba, 2/9/2014, 16:52 (GMT+7)

Hàng chục nghìn người cổ vũ đua thuyền ở quê Đại tướng

Lớp lớp người ken dày từ trên bờ xuống dưới mép nước, kéo dài 12 km dọc quãng sông Kiến Giang (huyện Lệ Thủy, Quảng Bình) hò reo cho 30 đội thuyền đua mừng Tết Độc lập.

Ngày 2/9, huyện Lệ Thủy tổ chức giải đua thuyền truyền thống với sự tham gia của 22 đội nam và 8 đội nữ, gần 1.000 vận động viên.  

Trước đó, vòng loại được tổ chức để chọn 12 đội nam mạnh vào bảng A, 10 đội còn lại ở bảng B. Đường đua dài 24 km dọc sông Kiến Giang. Xuất phát đầu tiên là giải đua dành cho nữ, tiếp theo là bảng B nam và hấp dẫn nhất là phần tranh tài của các đội nam mạnh ở bảng A.

Từ sáng sớm, rất đông bà con đổ về trung tâm huyện Lệ Thủy và dọc hai bờ sông Kiến Giang cổ vũ các đội đua. Trước khi tham gia giải đua, nhiều đội thuyền đến thăm và dâng hương lên Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở nhà lưu niệm tại làng An Xá, xã Lộc Thủy. 

Đường đua cũng đi qua bến nước ở khu nhà lưu niệm, nơi từng gắn bó với tuổi thơ Đại tướng. Mỗi đội đua gồm 13 đôi chèo là thanh niên trai tráng, một người đánh mõ, một người tát nước, hai lái chính và một lái đề. Thành tích của mỗi thuyền là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa các trai chèo và phách lái.

Các đội đua mang đến không khí sôi nổi, với tiêu chí thể hiện tinh thần đoàn kết, thân ái, trung thực và cao thượng, cống hiến cho hàng vạn khán giả những màn bứt phá, đua tranh quyết liệt.

Trong khi các đội ganh đua từng mét nước thì dòng người cổ vũ kéo nhau rồng rắn dọc theo bờ với cờ đỏ sao vàng trên tay và tiếng hò hét rợp trời. Đua thuyền truyền thống là ngày hội lớn nhất trong năm của nhân dân Lệ Thủy.

Lễ hội được truyền thanh, truyền hình trực tiếp trên đài địa phương nên nhiều người mang theo chiếc đài nhỏ để biết thứ tự các đội đua. Để được tham gia giải đua của huyện, các đội trước hết phải vượt qua nhiều đối thủ khác ở từng xã.

Đây là lần thứ 51 lễ hội được tổ chức. Hội đua để lại dấu ấn lớn trong lịch sử là Tết Độc lập năm 1946, khi cách mạng vừa thành công. Lễ hội truyền thống với sự tham gia của cả cộng đồng, không chỉ có ý nghĩa trong một buổi đua mà còn giúp người dân gắn kết trong đời sống lao động. Người Lệ Thủy trước kia chắc tay súng, nay vững tay cày, tay chèo.

Du khách thập phương dịp này về thăm nhà lưu niệm Đại tướng cũng được mãn nhãn với những màn tranh đua quyết liệt, đồng thời được hiểu thêm về một nét văn hóa của người dân sông nước nơi đây.

Hoàng Táo