Thứ sáu, 19/4/2024
Thứ tư, 10/6/2015, 12:14 (GMT+7)

Hàng chục hécta chè cháy xém vì nắng nóng

Nắng nóng kéo dài kỷ lục khiến 200 hécta chè ở huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) bị ảnh hưởng nặng nề. Nhiều diện tích bị cháy xém, không thể hồi phục..

Toàn huyện Hương Khê có 200 hécta chè, tập trung ở xã Hương Trà và thuộc sự quản lý của Xí nghiệp chè 20/4 (Công ty cổ phần chè Hà Tĩnh). Người dân được Xí nghiệp giao đất, hỗ trợ vay vốn. Khi thu hoạch thì bán lại sản phẩm cho đơn vị. Hơn một tháng nay, đợt nắng nóng kéo dài kỷ lục có lúc đạt ngưỡng hơn 41 độ C, khiến nhiều diện tích chè bị cháy xém, rụng lá. 

Tất cả 7 thôn trong xã Hương Trà đều bị ảnh hưởng, trong đó thiệt hại nặng nề là Tân Trà và Tây Trà. Bị cháy xém nhiều nhất là giống chè cành PH1, xuất xứ từ Phú Thọ, người dân lấy cành về ươm bầu rồi trồng.

Chè là cây mang lại thu nhập chính cho hơn 400 hộ dân xã Hương Trà. Vào cuối tháng 12, người trồng chè sẽ đốn cành, cuối tháng 2 âm lịch thì tạo hình, tầm tháng 5 trở đi chè cho thu hoạch, mỗi tháng hái 4 đợt. Một tấn chè bán cho Xí nghiệp được 6,4 triệu đồng, hộ thu hoạch nhiều nhất ước tính mỗi tháng được 7-8 tạ chè. Hiện sau đợt nắng nóng, nhiều cây chè đã không còn khả năng phục hồi.

Bà Phan Thị Hoàng (61 tuổi, trú thôn Tân Trà) cho biết, gia đình trồng 4.000 m2 chè. Nắng nóng, khô hạn khiến tất cả diện tích đều bị cháy. “Hàng năm tôi thu hoạch một hécta trung bình 3 tấn chè. Vụ năm nay cháy hết nên mất trắng, tôi phải bỏ tiền để mua nước cứu chè”, bà Hoàng nói.

Nhiều diện tích chè non 3-4 tháng tuổi được trồng cho những vụ mới cũng ngắc ngoải chờ chết vì thiếu nước tưới trầm trọng.

“Chè của gia đình tôi trồng xa nguồn nước, do đó phải thuê ôtô chở nước mỗi chuyến 250 nghìn đồng để tưới. Nếu thuê máy móc tưới thì mỗi ngày là 600 nghìn đồng”, bà Lan, thôn Tây Trà cho hay.

Buổi tối cũng là lúc mọi người tích cực chăm sóc chè nhất, bởi ban ngày nắng nóng, lượng nước tưới ra tiêu hao rất nhiều. Ông Trần Văn Hòa, Phó giám đốc Xí nghiệp chè 20/4 cho biết, từ ngày trồng chè tới nay, đây là lần đầu tiên phải tưới nước cả ngày lẫn đêm như vậy. “Chúng tôi đã tổ chức tưới nước, cứu được hơn 10 hécta chè, phục hồi được khoảng 70%, 30% còn lại thì không thể. Chè chưa chết hẳn, hy vọng thời gian tới có mưa thì còn có cơ hội. Nếu những cây nào không thể sống sót thì chúng tôi sẽ tổ chức trồng xen cây con”, ông Hòa nói.

Đức Hùng