Thứ năm, 28/3/2024
Chủ nhật, 30/4/2017, 00:00 (GMT+7)

Hai hầm chứa vũ khí bí mật trong nhà của Biệt động Sài Gòn

Những căn nhà bình thường nhưng bên dưới là hầm giấu vũ khí đã góp phần làm nên những chiến thắng của Biệt động Sài Gòn cách đây hơn 40 năm.

Trong con hẻm trên đường Nguyễn Đình Chiểu (quận 3, TP HCM), căn nhà số 287/70 nằm lọt thỏm. Ít người biết ngôi nhà này cách đây gần nửa thế kỷ chính là nơi Biệt động Sài Gòn đào hầm cất giấu vũ khí, chuẩn bị cho trận đánh táo bạo vào Dinh Độc Lập trong chiến dịch Tết Mậu Thân 1968.

Đúng 50 năm trước, ông Trần Văn Lai (tức Năm Lai) là người đã mua căn nhà này theo sự thống nhất với người chỉ huy đơn vị để làm cơ sở giấu vũ khí phục vụ cho các trận đánh Tết Mậu Thân 1968. 
Nhà có 2 mặt tiền trên 2 con hẻm nằm giữa đường Phan Đình Phùng (nay là Nguyễn Đình Chiểu) và Trần Quý Cáp (nay là Võ Văn Tần), diện tích khoảng 37 m2, dài 14,9 m, rộng 2,5 m.

Lấy cớ sửa nhà cần đào hầm vệ sinh, ông Năm sử dụng những thợ tin cậy của mình đào hầm giấu các loại vũ khí được chuyển từ ngoại thành vào. Để tránh bị phát hiện, đất sau khi đào được bỏ vào thùng carton chuyển lên ôtô đưa đi. Bảy tháng sau, căn hầm hoàn thành. Miệng hầm nằm gần cầu thang, nắp được ghép bằng 6 miếng gạch rộng 0,4 m x 0,6 m, vừa một người chui.

Hầm có kích thước dài hơn 8 m, ngang 2 m, cao 2,5 m, trát xi măng dày để chống thấm.

Trong hầm có 4 khung tròn nối với ống thoát nước, kích thước vừa một người chui để thoát hiểm.

Từ năm 1966 - 1968, gần 2 tấn vũ khí gồm súng và đầu đạn B40, súng AK, bộc phá, kíp nổ, súng ngắn, lựu đạn, đạn các loại… được chuyển tới hầm.

Để đảm bảo bí mật, xe chở vũ khí từ Củ Chi chỉ đến nhà vào lúc nhá nhem tối.

Ngoài hầm bí mật dưới lòng đất, căn nhà này còn có một hầm nổi. Cửa hầm nổi thông lên mái nhà để các chiến sĩ thoát ra ngoài bằng một sợi dây thừng.

Nhằm qua mắt địch, lực lượng biệt động đã làm những bộ ván rỗng ruột đục hình các loại vũ khí được đóng ghép để che mắt địch.

Nằm trong chỉ đạo của Bộ chỉ huy Quân khu Sài Gòn - Gia Định về xây dựng các căn hầm bí mật chứa vũ khí tại nội thành, tại nhà số 183/4 đường Trần Quốc Toản, quận 3 (nay là đường 3 Tháng 2, quận 10, TP HCM) cũng được bí mật làm thành hầm chứa vũ khí. Căn nhà khi ấy thuộc sở hữu của ông Đỗ Văn Căn (còn có tên Hoàng Mạnh Lạc), bí danh Ba Mủ, làm nghề thợ giày. Căn nhà lợp tôn có diện tích 12 x 5 m. Theo chỉ đạo của cấp trên, đầu năm 1965, ông nhận được lệnh gấp rút xây căn hầm bí mật tại nhà để chứa vũ khí.

Để bí mật đào hầm, ông Căn đưa gia đình về quê một thời gian và đào vào ban đêm. Sau 25 đêm miệt mài đào, tháng 5/1965, hầm được hoàn thành. Nắp hầm được tạo bởi 6 miếng gạch khớp nhau đậy khít miệng hầm có kích thước 0,4 x 0,6 m, vừa một người chui.

Hầm bí mật chứa vũ khí được đào ngay tại mặt nền phòng khách, xung quanh hầm xây gạch, trát xi măng, có chiều ngang 1,8 m, dài 2,2 m, cao 1,7 m, có ống thông hơi. Hầm phục vụ cuộc Tổng tiến công và nổi dậy năm 1968 và giữ được bí mật đến chiến dịch Hồ Chí Minh tháng 4/1975.

Quỳnh Trần