Thứ sáu, 29/3/2024
Thứ ba, 25/4/2017, 17:20 (GMT+7)

Đền Ngọc Sơn cho du khách mặc hở hang mượn áo khoác

Du khách mặc hở hang được Ban quản lý đền Ngọc Sơn cho mượn áo khoác dài, miễn phí, để tiếp tục cuộc tham quan.

Thực hiện bộ quy tắc ứng xử nơi công cộng của Hà Nội, các đơn vị quản lý di tích, danh thắng trên địa bàn thành phố đang triển khai quy định khuyến cáo du khách không mặc hở hang, gây phản cảm.

Đền Ngọc Sơn là một trong những di tích đầu tiên thực hiện quy định này. Đơn vị quản lý Đền bố trí nhân viên túc trực thường xuyên để nhắc nhở và hướng dẫn du khách theo khuyến cáo nêu trên.

"Từ ngày 7/4, đền Ngọc Sơn bắt đầu nhắc nhở các du khách mặc hở hang, và cho họ mượn áo khoác dài để vào thăm di tích. Chúng tôi sử dụng tiếng Việt và tiếng Anh hướng dẫn du khách, đôi khi cũng phải dùng đến ngôn ngữ cơ thể, sao cho khách dễ hiểu", anh Trần Việt Dũng, nhân viên Ban quản lý di tích đền Ngọc Sơn chia sẻ.

Thời gian đầu, nhiều du khách tỏ ra ngạc nhiên khi nghe nhân viên Ban quản lý Đền khuyến cáo về trang phục vào thăm di tích.

Du khách mặc các trang phục như quần, váy ngắn quá đầu gối, áo ba lỗ, khoét nách quá sâu, sau khi mua vé vào tham quan sẽ được ban quản lý cho mượn áo khoác dài tại quầy ở cửa Đền.

Du khách để lại giấy tờ cá nhân khi mượn áo khoác dài; trường hợp không có giấy tờ thì vẫn được mượn áo kèm theo lời dặn "nhớ trả lại khi ra về".

Chị Hà làm công việc tại quầy giao nhận áo cho biết, Ban quản lý Đền cho mượn áo khoác miễn phí, tuy nhiên một số du khách do sơ ý nên tham quan xong đã bỏ áo đi hoặc mang theo, nên "chúng tôi phải yêu cầu họ để lại giấy tờ cá nhân".

Ngoài ra, Ban quản lý di tích đền Ngọc Sơn đã gửi công văn đến các công ty lữ hành, đề nghị hướng dẫn du khách mặc trang phục phù hợp khi đi tham quan.

Khi nhân viên giải thích rõ ràng và được mượn áo khoác miễn phí để tiếp tục cuộc tham quan, nhiều du khách tỏ ra hài lòng.

Áo khoác được may với kích cỡ phù hợp cho khách tây, áo nam màu xanh kẻ ghi, áo nữ màu hồng.

Bà Nguyễn Thị Hòa, Trưởng ban quản lý di tích và danh thắng Hà Nội cho biết, một trong những khó khăn khi thực hiện công việc nêu trên là thiếu nhân viên có khả năng ngoại ngữ để giải thích cho du khách hiểu.

"Trước mắt mỗi di tích tự triển khai khuyến cáo về trang phục của du khách phù hợp với điều kiện thực tế. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ sơ kết, rút kinh nghiệm để làm tốt hơn", bà Hòa nói.

Ngọc Thành