Thứ sáu, 29/3/2024
Thứ tư, 16/10/2019, 12:00 (GMT+7)

Đẩy mạnh xuất khẩu nông sản vào thị trường Trung Quốc

Việc xuất khẩu nông sản Việt vào thị trường Trung Quốc gặp nhiều khó khăn tuy nhiên đây là mảnh đất nhiều tiềm năng.

Theo thống kê của Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay, chỉ có 8 loại hoa quả tươi của Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc. Các loại quả trên gồm: thanh long, chuối, chôm chôm, nhãn, vải, xoài, dưa hấu và mít.  Cuối tháng 4/2019, Trung Quốc đã cấp phép nhập khẩu cho măng cụt của Việt Nam. Đây là loại trái cây thứ 9 được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường này.

Tại hội nghị "Phát triển xuất khẩu nông thủy sản sang thị trường Trung Quốc" được tổ chức tại Hà Nội đầu tháng 9, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết: "Xuất khẩu nông thủy sản sang Trung Quốc còn tồn tại nhiều khó khăn do tập quán kinh doanh của ta còn dựa trên những yếu tố chưa chuyên nghiệp. Chúng ta chủ yếu dựa vào thương mại qua biên giới (tiểu ngạch), dựa vào các điểm cửa khẩu thông quan chứ chưa đưa hàng hóa vào sâu nội địa Trung Quốc. Do đó, nông thủy sản chưa đáp ứng được hàng rào kỹ thuật, chưa tạo thành chuỗi sản xuất, tiêu thụ bền vững, tạo giá trị gia tăng".

Xuất khẩu nông sản vào thị trường Trung Quốc còn gặp nhiều khó khăn.

Xuất khẩu nông sản vào thị trường Trung Quốc còn gặp nhiều khó khăn.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định, những khó khăn về xuất khẩu sang Trung Quốc đã tồn tại nhiều năm và các Bộ ngành, doanh nghiệp cũng đã có nhiều nỗ lực để giải quyết.

Thời điểm này Trung Quốc sẽ ngày càng đặt ra các hàng rào, yêu cầu cao, chặt chẽ, liên quan đến chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu... Do đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương mong muốn nhanh chóng thực hiện các giải pháp cụ thể để tăng trưởng xuất khẩu, tạo nên thị trường ổn định cho ngành nông nghiệp, từng bước giải quyết câu chuyện "được mùa, mất giá" của nông sản lâu nay.

"Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các bộ, ban ngành, hiệp hội, doanh nghiệp, địa phương sẽ cùng phối hợp, trao đổi, làm rõ kỹ hơn, từ báo cáo đến thực tiễn để đối chiếu chính sách, làm rõ những yêu cầu liên quan, từ đó xây dựng chiến lược xuất nhập khẩu bền vững", Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Cần nâng cao khả năng cạnh tranh và mở cửa thị trường

Cũng tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho rằng, trong những năm tới, nếu không nâng cao khả năng cạnh tranh, thì hàng hóa nông sản Việt Nam rất khó thâm nhập thị trường các khu vực phát triển của Trung Quốc do tính chất tương đồng và sức cạnh tranh. Xuất, nhập khẩu nếu không được kiểm soát, quản lý tốt, chạy theo lợi ích trước mắt thì sẽ có nguy cơ làm suy thoái môi trường, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học, di nhập vào nước ta các sản phẩm, hàng hóa không thân thiện với môi trường và sức khoẻ con người.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: "Việc cần làm hiện nay là chủ động đàm phán mở cửa thị trường. Bởi xuất khẩu theo hình thức biên mậu vào Trung Quốc đã bị hạn chế dần, trong khi quốc gia này đang ngày càng nâng cao hàng rào kỹ thuật về kiểm dịch thực vật".

Về phía doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho rằng, các doanh nghiệp xuất khẩu cần tích cực, chủ động tìm kiếm đối tác, quảng bá sản phẩm thông qua việc tham gia các cuộc hội chợ, triển lãm. Nâng cao năng lực và nhận thức trong việc nắm bắt các quy định kỹ thuật và yêu cầu về kiểm dịch của thị trường Trung Quốc.

"Doanh nghiệp cần thay đổi từ việc kiểm tra an toàn thực phẩm cuối cùng sang giám sát toàn bộ các công đoạn trong toàn bộ chuỗi sản xuất, đồng thời nâng cao nhận thức về sản phẩm chất lượng và an toàn hơn. Thiết lập cơ chế hợp tác giữa nhà quản lý - doanh nghiệp - người sản xuất nhằm bảo đảm an toàn trong toàn bộ chuỗi cung ứng",  Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định.

Lưu ý khi xuất khẩu nông sản vào Trung Quốc

Tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng đưa ra một số lưu ý đối với các doanh nghiệp xuất khẩu trái cây Việt Nam sang Trung Quốc .

Thứ nhất, với loại trái cây xuất khẩu nhiều vào Trung Quốc như dưa hấu có thể sử dụng cách dán tem có mã truy xuất nguồn gốc lên trái dưa hoặc đóng dưa bằng bao bì thùng giấy có thông tin truy xuất nguồn gốc.

Thứ hai, doanh nghiệp xuất khẩu cũng cần chủ động lựa chọn sử dụng bao bì thùng giấy hoặc tem nhãn dán lên trái cây; chủ động chọn đơn vị in tem nhãn truy xuất nguồn gốc. Hiện đã có 41 doanh nghiệp xuất khẩu ký hợp đồng với Tập đoàn Trung Kiểm (CCIC) là đơn vị có năng lực cung cấp lượng lớn tem nhãn cho doanh nghiệp.

Điểm thứ ba là từ 1/5/2019, Hải quan Trung Quốc đã thực hiện thêm một số quy định mới đối với một số loại trái cây nhập khẩu từ Việt Nam doanh nghiệp cần chú ý đó là:

Đối với dưa hấu: không cho phép dưa hấu lót rơm thông quan; yêu cầu dùng xốp lưới hoặc chất liệu không có sinh vật gây hại để bọc trái.

Đối với mít: yêu cầu dùng giấy dai Kraft để bọc hoặc dùng bao bì là thùng giấy có in thông tin truy xuất nguồn gốc.

Đối với chuối: yêu cầu bao bì là thùng giấy hoặc túi nhựa để bọc (đều phải in mã và thông tin truy xuất nguồn gốc); đối với vải thiều: phải đóng gói trong thùng xốp có in tem chìm.

An Nguyên

Chia sẻ bài viết qua email