Thứ ba, 16/4/2024
Chủ nhật, 30/10/2016, 08:00 (GMT+7)

Dấu tích thành lũy đầu tiên chống Pháp

Điện Hải (Đà Nẵng) là thành lũy đầu tiên của Việt Nam dưới thời nhà Nguyễn được xây dựng nhằm chống lại cuộc xâm lược của liên quân Pháp - Tây Ban Nha (năm 1858), đến nay gần như còn nguyên vẹn.

Thành Điện Hải được triều đình Huế xây dựng từ năm 1813 dưới thời vua Gia Long. Ban đầu là đài Điện Hải ở tả ngạn sông Hàn, gần biển để kiểm soát tàu thuyền và trấn giữ Đà Nẵng. Đến năm Minh Mạng thứ tư (1823), đài được dời sâu vào đất liền, tại vị trí hiện nay (quận Hải Châu, Đà Nẵng).

Khi được dời về một khu đất cao rộng, đài được xây dựng kiên cố, cao 12 m và có một kỳ đài, 7 đại bác (súng thần công). Năm Minh Mạng thứ 15 (1835), đài được đổi tên thành Điện Hải.

Thành Điện Hải được xây dựng bằng gạch theo đồ án thiết kế kiểu thành Vauban châu Âu.

Năm Thiệu Trị thứ 7 (1847), thành Điện Hải được xây dựng mới với chu vi 139 trượng (556 m), mở 3 cửa, 30 pháo đài và 30 súng đại bác. Thành cao 5 m, hào sâu 3 m, thành hình vuông có 4 góc lồi.

Một bản sắc phong chức của vua Minh Mạng cho quan trấn giữ thành Điện Hải.

Tháng 8/1858, quân viễn chinh Pháp và Tây Ban Nha tấn công vào Đà Nẵng, mở đầu cho chiến tranh Pháp - Việt. Điện Hải là thành lũy đầu tiên của nhà Nguyễn chống Pháp.

Sau khi tập trung hỏa lực tấn công vào bán đảo Sơn Trà và cửa sông Hàn, quân viễn chinh đổ bộ lên bờ tấn công các thành An Hải và Điện Hải. Thành Điện Hải dưới sự chỉ huy của Quyền Chướng doanh hổ oai Đào Trí cùng Án sát Lê Văn Phổ, Bố chánh Lê Văn Nhiếp hợp đồng với Tổng đốc Nam Ngãi Trần Hoằng chống giữ quyết liệt.

Tuy nhiên, quân triều Nguyễn trong thành với vũ khí thô sơ, lạc hậu nên quân viễn chinh Pháp và Tây Ban Nha dùng hỏa lực mạnh hơn đã phá được phía tây thành tràn vào trong, buộc quân lính triều Nguyễn phải rút lui. Hai khẩu thần công (ảnh) được phát hiện ở thành Điện Hải vào đầu thế kỷ 21.

Bên trong Bảo tàng Đà Nẵng ngày nay còn trưng bày nhiều bức tranh vẽ binh lính triều Nguyễn canh giữ thành Điện Hải và những vũ khí hiện có của những ngày đầu chống Pháp.

Tháng 4/1859, liên quân Pháp - Tây Ban Nha quay lại Đà Nẵng để củng cố thành Điện Hải, làm bàn đạp tấn công triều đình nhà Nguyễn về cả hai bên tả hữu của thành. Tuy nhiên, quân triều Nguyễn đã đắp lũy bao vây thành, đột kích vào ban đêm nhằm tiêu hao sinh lực địch. Đầu năm 1860, liên quân Pháp - Tây Ban Nha rút khỏi Đà Nẵng. Sau nhiều biến cố lịch sử, kỳ đài của thành đã bị phá, một nhà thờ của lính Pháp xây dựng trong khuôn viên thành cũng bị dỡ bỏ. Riêng tường thành bằng gạch bao quanh còn gần như nguyên vẹn.

Cùng với súng thần công, nhiều đạn của loại đại bác này cũng được tìm thấy và đang được trưng bày tại Bảo tàng Đà Nẵng (trong khuôn viên thành Điện Hải). Sau khi thành bị chiếm đóng, vua Tự Đức đã cử danh tướng Nguyễn Tri Phương là Quân thứ Tổng thống đại thần trực tiếp chỉ huy quân đội chống lại liên quân Pháp - Tây Ban Nha. Tướng Nguyễn Tri Phương đã áp dụng chiến thuật phục binh tiêu hao, chặn đường tiến quân, đẩy lùi những trận càn quét và phản công của giặc nên đến tháng 2/1859, liên quân Pháp - Tây Ban Nha phải chuyển quân vào Gia Định.

Ngày nay, tượng danh tướng Nguyễn Tri Phương được đặt trang trọng ở cửa chính của thành Điện Hải. Năm 1988, thành Điện Hải được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng di tích lịch sử quốc gia. Mới đây chính quyền Đà Nẵng quyết định giải tỏa 54 hộ dân xâm hại di tích thành Điện Hải.

Nguyễn Đông