Thứ tư, 24/4/2024
Thứ hai, 1/9/2014, 16:46 (GMT+7)

Cựu binh lập bàn thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Người cựu binh ở Quảng Nam dành dụm suốt hơn 20 năm để dựng ngôi nhà gỗ khang trang làm nơi thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Căn nhà gỗ nằm ở khu đô thị phía Nam, đường 109, thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc (Quảng Nam) được cựu chiến binh Nguyễn Nhì (84 tuổi) dành toàn bộ không gian để thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ông sinh sống tách biệt ở ngôi nhà bên cạnh.

Phần mái được lợp ngói đỏ tươi, không gian ngôi nhà đang được chủ nhân trồng cây xanh, hoàn thiện một số hạng mục. Với lòng tôn kính, sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, ông Nhì đã lập bàn thờ Người. Khi tái định cư về đây, ông dựng riêng căn nhà này vào năm 2012.

Ngôi nhà với 30 cột gỗ được ông Nhì bày trí đẹp mắt. Chứng kiến cảnh mẹ mình bị giặc thiêu cháy trong một trận càn, ông nằng nặc xin vào bộ đội khi mới 17 tuổi. Ngôi nhà chính là nơi ông lưu giữ những kỷ niệm khi được cách mạng giác ngộ, rèn luyện nên người.

Ông Nhì dọi đèn pin vào một trong bốn chiếc cột nhà bị cháy xém do chiến tranh mới được vá tạm lại, và kể rằng đây là bốn chiếc cột nhà gỗ từ thời ông nội mình. Về quê khi đất nước đã thống nhất, ông nghe tin những chiếc cột nhà ấy đã bị tịch thu, đem bán cho một nhà dân dựng chòi đạp mía. Đến năm 1990 ông mới có tiền chuộc lại, tâm nguyện sẽ dựng nhà thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhưng khi ấy nhà ông nằm trong diện quy hoạch treo nên mãi hơn 10 năm sau ông mới thực hiện được. 

Ở chính giữa ngôi nhà là bàn thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Theo ông Thủ tướng Đồng và Đại tướng Giáp là hai học trò xuất sắc của Hồ Chủ tịch, một tướng văn, một tướng võ với sự tài hoa và sự liêm khiết, hết lòng vì đất nước. Trong lòng muốn thỉnh cố Thủ tướng về bên Hồ Chủ tịch từ lâu nhưng sợ mất cân đối, nên ngày 13/10/2013 - khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp về với đất mẹ Quảng Bình, ông thỉnh ảnh vị tướng của lòng dân về đặt bên phải Chủ tịch Hồ Chí Minh và cùng lúc đặt ảnh Thủ tướng Phạm Văn Đồng ở bên trái. 

Ngày ngày, ông Nhì lo chuyện hương khói trên bàn thờ, và dặn dò con cháu phải lo hương khói ở ngôi nhà thờ này ngay cả khi ông nằm xuống. Ông cũng làm lễ giỗ Hồ Chủ tịch với nhiều người đến dự. Ngày rằm hay mùng một hàng tháng, trên bàn thờ này được bày biện hoa quả trang trọng. 

Những bức ảnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp được ông Nhì treo trên các cột nhà, khiến cho ngôi nhà thờ không khác một bảo tàng thu nhỏ. Ông nhớ nhất kỷ niệm với Đại tướng là tháng 7/1955, Đại tướng đến dự thành lập sư đoàn 324 nơi ông tham gia chiến đấu tại huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa). 

Nhiều bức ảnh có giá trị như đám tang của Chủ tịch Hồ Chí Minh đang được ông lưu giữ trong ngôi nhà thờ này. Khi biết ông lập nhà thờ, đồng đội đã gửi tặng nhiều bức ảnh quý để ông trưng bày, giới thiệu mỗi khi có người đến thăm.

Say sưa kể về Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông Nhì chỉ tay vào góc phải bức ảnh Bác đến thăm Sư đoàn 324 và Trung đoàn 120 Tây Nguyên tại rú Đụn Nam Đàn năm 1957, xúc động nói: "Tôi may mắn được xuất hiện trong ảnh, mỗi lần nhìn bức ảnh này trong tôi lại hiện nguyên ký ức một thời được cầm súng, được trực tiếp gặp Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp".

Chủ nhân ngôi nhà thờ đặc biệt này cũng dành một góc nhỏ để trưng bày huân, huy chương của bản thân. Tháng 3/1966, lần đầu tiên ông Nhì bắn rơi được máy bay địch ở vị trí ngay gần Vũng Chùa (xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình), nơi an táng Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Năm 1972, ông Nhì chuyển sang làm tham mưu trưởng tiểu đoàn pháo cao xạ bảo vệ sân bay Kép (tỉnh Hà Bắc cũ). Được góp sức mình vào trận "Điện Biên Phủ trên không" từ ngày 18 đến 30/12/1972, ông càng khâm phục tài quân sự của Đại tướng khi bố trí hỏa lực, quân binh chủng đánh trả B52 của Mỹ.

Với số tiền lương hưu ít ỏi của hai vợ chồng, ông Nhì chọn cách xây dựng ngôi nhà gỗ theo từng năm một. Hiện ông bổ sung những ván ghép và cửa phía chính của căn nhà. "Đến tháng 9/2015, ngôi nhà thờ sẽ hoàn thành. Tôi lấy đây làm mốc hoàn thành tâm nguyện của mình vì năm 2015 kỷ niệm 70 năm ngày Quốc khánh, và lúc đó tôi cũng bước sang tuổi 85", ông nói. 

Nguyễn Đông