Thứ bảy, 20/4/2024
Thứ ba, 31/3/2020, 15:05 (GMT+7)

Cuộc sống quanh những căn phòng vài m2 mùa dịch

Hà NộiNhững gia đình "xóm chạy thận" tự cách ly trong các căn phòng 9-10 m2 khi số bệnh nhân liên quan Bệnh viện Bạch Mai tăng mỗi ngày.

Nguyễn Thị Oanh, 30 tuổi, cao 1,4 m, nặng chưa đầy 34 kg, chạy thận từ năm 16 tuổi. Quê ở xã Tráng Việt, vùng đất ven sông Hồng chuyên trồng rau của huyện Mê Linh, nhưng Oanh đã di cư đến xóm chạy thận ngõ 121 Lê Thanh Nghị, quận Hai Bà Trưng suốt 14 năm. Mỗi tuần, cô ra vào Bệnh viện Bạch Mai vài lượt để chạy thận.

10h sáng 30/3 khác với mọi lần, Oanh đóng gói thêm cả quần áo trước khi vào viện "để nếu phải cách ly thì còn cái dùng".

Lịch lọc máu của Oanh từ 10h30 đến 15h vào sáng thứ hai, tư, sáu. Cô không thể rời xa bệnh viện quá hai ngày. Cánh tay cô đầy những u, cục - dấu vết của hàng nghìn lần cắm kim lọc máu.

Oanh cùng chồng - Lê Văn Vịnh trọ trong căn phòng rộng chưa đầy 10 m2, với giá thuê 1,5 triệu đồng mỗi tháng.

"Xóm chạy thận nhỏ" của Oanh có 9 phòng. Một phòng người thuê khoá cửa về sau Tết tránh dịch, 8 phòng còn lại có người ở, đều là bệnh nhân chạy thận trong Bạch Mai.

Phần cơm rang buổi sáng trong chảo và cơm nắm buổi trưa trong đĩa Oanh để dành cho chồng. Đây là khẩu phần ăn chính của Oanh và Vịnh gần mười ngày qua, khi cô không còn tiền và hầu như không đi chợ.

Trong khi Oanh chuẩn bị cơm nắm mang vào viện, Vịnh ngồi lướt xem tin tức. Chiếc điện thoại là phương tiện duy nhất kết nối anh với thông tin bên ngoài.

Vịnh đã nghỉ việc từ giữa tháng 2, thời điểm Covid-19 từ Trung Quốc bắt đầu lan mạnh sang một số nước châu Á. 

Cách phòng vợ chồng Oanh - Vịnh hai cánh cửa, nơi ở của ông Nguyễn Văn Hùng, bà Tạ Thị Sáu rộng khoảng 8 m2, treo lủng lẳng áo quần, đồ đạc đầu giường. Toàn bộ sinh hoạt, nấu nướng đều ở trong phòng.

Ông Hùng là thương binh, suy thận hơn chục năm nay. Đạn cưa cụt ba ngón bàn tay trái và một ngón phải, khiến ông không thể giữ được garo cầm máu, vợ phải luôn đi theo trong những lần chạy thận. 

Bà Sáu bán nước chè dạo trong khuôn viên bệnh viện Bạch Mai kiếm thêm sinh hoạt phí. Khi Hà Nội xác nhận ca dương tính đầu tiên với nCoV ngày 6/3, kế sinh nhai của bà Sáu bị chặn đứng. 

Ông Nguyễn Hồng Sơn, 90 tuổi, ở Từ Sơn (Bắc Ninh) đi chăm vợ là bà Đinh Thị Lệ chạy thận mười năm nay. Mỗi tuần, bà Lệ lọc máu ba lần từ 6h30 đến 10h30 các buổi sáng thứ hai, tư, sáu. Ông Sơn ở nhà nấu ăn, dọn dẹp. Ông bà không muốn về và cũng không thể về quê. Bởi "về không may bị nhiễm, lây cho mọi người ở quê thì khổ lắm. Ở đây thôi chứ biết đi đâu bây giờ".

Thú vui những ngày này của ông là đọc sách, chờ vợ đi chạy thận về ăn cơm.

Tối 30/3, số ca nhiễm nCoV tăng lên 204, trong đó có 33 ca liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai. Người dân xóm chạy thận được khuyến cáo hạn chế ra ngoài.

Không gian sống của cư dân trong xóm bó hẹp từ phòng trọ ra đến khoảnh sân chung. Sinh kế của những người phụ nữ chạy thận lẫn đi chăm chồng là rửa bát thuê, bán nước chè dạo, nhặt đồng nát.

Ấm đựng nước sôi, chai nhựa loại lít rưỡi bọc xốp là công cụ mưu sinh của chị em xóm chạy thận, giờ xếp một xó.

Tới đầu ngõ, người dân được cán bộ y tế phổ biến kế hoạch phòng chống Covid-19 từ ngày 30/3. Quận Hai Bà Trưng sẽ hỗ trợ mỗi người 10 kg gạo, mỗi gia đình một triệu đồng. Quận cũng ký hơp đồng với siêu thị cung cấp hàng hoá thiết yếu hai ngày một lần cho người trong "xóm" để người bệnh không phải đi chợ. 

Phường Đồng Tâm lập lối đi riêng cho các bệnh nhân chạy thận đến viện Bạch Mai. Họ được phát thẻ để tiện quản lý. Bệnh viện đón bệnh nhân tại cổng rồi đưa theo lối riêng đến nơi điều trị. Điều trị xong, quy trình trở về diễn ra như lúc vào viện.

Khoảng 500 bệnh nhân đang chạy thận ở Bệnh viện Bạch Mai. Riêng "xóm chạy thận" trong ngõ 121 Lê Thanh Nghị có 105 người.

Giang Huy - Phương Lam