Thứ năm, 25/4/2024
Thứ ba, 19/2/2019, 19:10 (GMT+7)

Cộng đồng người Hoa ở Sài Gòn diễu hành mừng Tết Nguyên tiêu

Chiều 19/2, hàng nghìn người dân Sài Gòn đổ ra đường mừng Tết Nguyên tiêu của cộng đồng người Hoa ở khu vực Chợ Lớn.

Người dân đổ xuống đường xem diễu hành Tết Nguyên tiêu
 
 

Đoàn người hóa trang dài 3 km mừng Tết Nguyên tiêu ở Sài Gòn. Video: Khang Điệp.

Tết Nguyên tiêu là lễ hội truyền thống của đồng bào người Hoa diễn ra vào ngày rằm tháng Giêng. Vào ngày này, hàng nghìn người Hoa sống ở TP HCM trong các trang phục, nghi lễ truyền thống diễu hành quanh các tuyến đường trung tâm ở Chợ Lớn.

Từ 16h, cuộc diễu hành nghệ thuật quần chúng diễn ra, xuất phát từ đường Hải Thượng Lãn Ông, đoàn đi theo lộ trình đường Châu Văn Liêm, Lão Tử, Lương Nhữ Học, Nguyễn Trãi.

Trên mỗi tuyến đường đoàn đi qua, những nét văn hóa truyền thống đặc sắc của người Hoa như Kinh kịch, múa lân sư rồng, đi cà kheo, múa quạt... đều được phô diễn.

Những chú nhân mã đang phi trên đường với mong ước một năm hanh thông, làm ăn phát đạt, vươn lên.

Hàng nghìn người Hoa ở Chợ Lớn xuống đường trong ngày Tết Nguyên tiêu.

Hình ảnh ba thầy trò Đường Tăng trên đường đi Tây Thiên thỉnh kinh và luôn theo sau là Quan Thế Âm Bồ Tát cũng được tái hiện.

Ông Lý Minh Tòng (54 tuổi, quận 5) cùng gia đình thích thú với nhân vật Tôn Ngộ Không. "Gia đình tôi và cộng đồng người Hoa rất quan tâm đến ngày Tết Nguyên tiêu. Vì lễ hội này mang ý nghĩa đón mừng đêm trăng tròn đầu tiên trong năm để cầu mong mưa thuận gió hòa, nhân dân được bình an", ông Tòng chia sẻ.

Em Bảo Châu (sinh viên Đại học Sư phạm TP HCM) tạo dáng trong bộ trang phục người Hoa trên đường diễu hành. 

"Đây là năm đầu tiên em tham gia biểu diễn, em rất vui khi được tham gia sự kiện lớn nhất năm của cộng đồng người Hoa. Đến với sự kiện này em được học hỏi nét văn hoá phong phú", nữ sinh nói.

Dân ca quan họ Bắc Ninh cũng góp mặt trong đoàn diễu hành, tạo ra bầu không khí hòa hợp giữa các dân tộc.

Các tiết mục múa lân, múa rồng… được biểu diễn liên tục ở mỗi tuyến đường đoàn người đi qua. Lễ hội năm nay, có hơn 20 đoàn nghệ thuật, đội nhóm ở các quận trong thành phố, các tỉnh lân cận.

Sau khoảng 3 km diễu hành, hơn 1.000 người tham gia lễ hội đường phố tiến vào điểm kết thúc ở Trung tâm văn hóa quận 5. Tối cùng ngày, lễ hội sẽ diễn ra xin lộc, thư pháp, biểu diễn ca nhạc cổ, kịch tuồng, lân sư rồng, các trò chơi dân gian...

Hữu Khoa