Thứ năm, 28/3/2024
Thứ sáu, 5/1/2018, 00:00 (GMT+7)

Cây sộp trăm tuổi trổ trái chi chít ở Sài Gòn

Cây sộp có đường kính gốc cả mét ở vùng ngoại ô TP HCM đang vào mùa thay lá, trổ trái chi chít trên cành.

Trong khuôn viên ngôi miếu trên đường Nguyễn Thị Kiêu (quận 12, TP HCM) có một cây sộp đang trong mùa thay lá, ra trái. Loài cây này còn có các tên khác như trâu cổ, vảy ốc hay bị lệ, thuộc họ dâu tằm.

Cây sộp cao khoảng 15 m, tán rộng chừng 10 m. "Từ năm 1950 khi miếu được xây, cây sộp đã phát triển cao to rồi. Tuổi đời cây này ước chừng trăm năm", bà Tạ Thị Nguyện (65 tuổi, người trông coi miếu) cho biết.

Gốc cây có đường kính khoảng một mét, nằm hoàn toàn trong ngôi miếu. Cây sộp trong tự nhiên có tuổi thọ cao, những cây lâu năm dáng đẹp thường được giới chơi cây kiểng "săn" tìm.

Cây thường ra hoa vào các tháng 5-10 hàng năm. Sau đó, lá rụng hết để lại những cành cây khẳng khiu.

Khi lá rụng hết thì chỉ còn lại quả sộp mọc xum xuê trên cành.

Trái cây đậu chi chít, trắng cả cành, thu hút nhiều loài chim tới ăn. Theo người dân, năm nay cây thay lá sớm, trùng ngay Tết Dương lịch và trái đậu rất nhiều, hơn hẳn các năm trước.

Trái sộp nhỏ bằng trái cà phê, khi xanh có màu trắng khi già thì chuyển sang màu đỏ thẫm, có vị ngọt.

Mỗi ngày, trái chín rụng rất nhiều quanh sân, trên mái nhà các hộ ngay cạnh. Trong đông y, trái sộp được dùng làm bài thuốc bổ, hỗ trợ điều trị đau lưng, phong thấp...

Chồi non cây sộp cũng có màu đỏ thẫm, đang phát triển sau khi những lá già rụng đi.

Những cành lá non một thời gian sẽ phát triển xum xuê, tạo bóng mát rồi lại tiếp tục rụng để "nhường" cành cho quả sộp phát triển.

Cây sộp dễ trồng, nhân giống dễ dàng từ hạt và chiết cành, dễ uốn tỉa. Cây có sức sống cao nên thường được các nghệ nhân cây cảnh sử dụng để tạo bonsai, trồng tiểu cảnh,…

"Dân trong vùng coi trọng cây sộp cổ thụ này nên ngày rằm, lễ lạt đều mang lễ tới viếng miếu và cả 'cụ' cây. Đến nay cây vẫn phát triển xanh tốt", ông Trần An (người dân) cho hay.

Quỳnh Trần