Thứ sáu, 29/3/2024
Thứ bảy, 26/5/2018, 11:56 (GMT+7)

Cầu Cao Lãnh bắc qua sông Tiền trước ngày thông xe

Sau gần 5 năm thi công, cầu Cao Lãnh (Đồng Tháp) có tổng mức đầu tư hơn 3.000 tỷ đồng sẽ được thông xe vào sáng 27/5.

Cầu Cao Lãnh chuẩn bị thông xe
 
 

Người dân miền Tây háo hức chờ ngày cầu Cao Lãnh thông xe.

Cầu Cao Lãnh nối thành phố Cao Lãnh và huyện Lấp Vò (Đồng Tháp), cách bến phà Cao Lãnh khoảng 0,8 km về phía hạ lưu và cách cầu Mỹ Thuận khoảng 35 km về phía thượng lưu. Cầu khởi công tháng 10/2013. Ảnh: Hoàng Hùng.

Cầu Cao Lãnh dài hơn 2 km, phần chính là dây văng, nhịp chính dài 350 m, dầm bêtông cốt thép dự ứng lực. Mặt cầu rộng 24,5 m, gồm 4 làn ôtô và hai làn xe máy, thô sơ; tốc độ thiết kế 80 km/h.

Tháp dây văng cầu Cao Lãnh hình chữ H, cao 120 m. Đây là cầu dây văng thứ ba bắc qua sông Tiền, sau cầu Mỹ Thuận và Rạch Miễu. Tháng 9/2017, cầu Cao Lãnh được hợp long, dự kiến thông xe vào cuối năm ngoái nhưng được dời lại vào ngày 28/5 năm nay.

Hệ thống quan trắc độ an toàn được đặt giữa đỉnh cầu, sẽ đo và truyền các số liệu về trung tâm điều hành.  

Cầu có tất cả 128 bó cáp. 

Cầu Cao Lãnh và tuyến nối cầu Cao Lãnh - cầu Vàm Cống dài hơn 21 km đi qua tỉnh Đồng Tháp nằm trong dự án "Kết nối khu vực trung tâm Đồng bằng sông Cửu Long", có tổng vốn đầu tư 7.500 tỷ đồng, nhằm tạo điều kiện cho người dân từ Kiên Giang qua Đồng Tháp Mười lên TP HCM. Dự án còn kết nối với tuyến N2 hiện hữu, tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi (Kiên Giang) đang thi công, hình thành nên trục giao thông quan trọng kết nối TP HCM với miền Tây. 

Làn xe máy được thiết kế tách riêng với ôtô nhằm giảm thiểu tối đa tai nạn giao thông, gây ùn tắc trên cầu.

Cầu có 34 nhịp dẫn, 65 đốt dầm. Dự tính khi đưa vào sử dụng, cầu Cao Lãnh phục vụ 170.000 lượt người qua lại, cùng lượng lớn hàng hoá lưu thông.

"Cả trăm năm qua, người dân nơi đây mong mỏi có cây cầu bắc qua sông Tiền này, nay được thành hiện thực. Chúng tôi rất mừng, đang mong chờ ngày khánh thành để được đi trên cầu này cho thoả lòng mong ước", ông Trần Ngọc Thành (62 tuổi) nhà ở sát chân cầu Cao Lãnh phấn khởi nói:

Qua kiểm tra, các kỹ sư thi công cầu Cao Lãnh khẳng định đã sẵn sàng cho ngày thông xe phục vụ người dân miền Tây.  

Theo tính toán của các nhà chuyên môn, cầu Cao Lãnh sẽ mang lại lợi ích cho cuộc sống của 5 triệu người dân thông qua việc kích thích đầu tư tư nhân và công nghiệp địa phương, đẩy mạnh các mặt hàng xuất khẩu.

Tổng kinh phí của cầu Cao Lãnh trên 3.000 tỷ đồng từ nguồn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Australia, vốn vay Ngân hàng Phát triển châu Á và đối ứng của Chính phủ Việt Nam.

Sau gần 100 năm hoạt động, phà Cao Lãnh hoàn thành "sứ mệnh lịch sử" vận chuyển khi cầu Cao Lãnh đi vào hoạt động. Theo ông Nguyễn Hữu Phước, Giám đốc bến phà Cao Lãnh, phà sẽ được thu gọn lại chỉ còn hai chiếc nhỏ 100 tấn và 40 tấn. Hai phà này được bố trí để vận chuyển hành khách đi xe máy và đi bộ theo nguyện vọng của người dân và học sinh, sinh viên hai bên bờ TP Cao Lãnh và huyện Lấp Vò. Ngoài ra, trong tổng số 125 nhân viên của đơn vị sẽ được sắp xếp chuyển về bến phà Sa Đéc và bến phà Phong Hòa - Thới An. Số lao động giảm biên chế dự kiến là 30 người. Ảnh: Hoàng Hùng.

Cửu Long