Thứ năm, 28/3/2024
Chủ nhật, 22/10/2017, 16:05 (GMT+7)

Cảnh sát cơ động phục vụ APEC trình diễn khí công

Cảnh sát gánh cặp tạ nặng 120kg rồi đi trên mảnh thủy tinh, hay dùng thanh sắt sắc nhọn kê vào yết hầu đẩy xe nặng hơn 3 tấn...

Những màn biểu diễn khí công của cảnh sát cơ động
 
 

 

Sáng 22/10, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động tổng duyệt cho lễ xuất quân bảo vệ APEC tại Đà Nẵng. Những màn khí công gây ấn tượng, cho thấy các chiến sĩ đã dành nhiều thời gian tập luyện. Trước khi biểu diễn, cảnh sát dành thời gian vận khí.

Màn trình diễn lần này là treo mình trên cao, hoặc nằm trên hai lưỡi kiếm sắc nhọn để đập đá trên bụng, hay dùng yết hầu đẩy cong cây thương sắc nhọn và thanh sắt phi 12... Để thực hiện bài tập này đòi hỏi sự vận động phối hợp của hầu hết cơ chính trên cơ thể, trong đó quan trọng nhất là phải có cột sống vững chắc và khả năng điều khí thuần thục để không bị tổn thương.

Màn công phá gạch, ngói là bài tập rèn luyện sự rắn chắc và sức mạnh, tốc độ của đôi bàn tay. Khí công trong võ thuật là hệ thống phương pháp điều khí, vận khí nhằm tập trung năng lượng vào một vùng, một điểm để chống đỡ đòn đánh hoặc thực hiện các màn công phu.

Dùng tay đấm vỡ quả dừa...

...hay chặt bay chai thủy tinh là bài tập với những chiến sĩ cơ động. Động tác dứt khoát đầy uy lực là yếu tố quan trọng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đánh bắt tội phạm.

Cảnh sát đặc nhiệm dùng hàm răng nâng vật nặng 45kg và đi chân trần trên thủy tinh.

Màn gánh tạ nặng 120kg đi trên thủy tinh. Màn biểu diễn này thể hiện khả năng vượt trội của người học khí công so với người bình thường, kể cả về thể chất và tinh thần.

Ba người nằm trên thủy tinh và bàn chông để đập đá trên bụng là bài tập nâng cao, đòi hỏi sức chịu đựng cao hơn nhiều so với các bài tập căn bản khác. 

Cảnh sát đặc nhiệm lăn mình trên thủy tinh, sau đó nằm cho đoàn người dẫm qua, thể hiện đặc trưng mình đồng da sắt của người luyện khí công. Để thực hiện bài tập này, các chiến sĩ phải điều khí ra toàn bộ vùng lưng và bụng để chống lại lực xuyên thấu của thủy tinh.

Màn biểu diễn cường công, thể hiện sức mạnh tổng hợp của toàn thân để chống lại sức công phá của gậy khi đập vào các bộ phận như lưng, bụng, chân, cánh tay. 

Màn biểu diễn dùng cổ, lưng uốn cong thanh sắt phi 12. Ngoài việc luyện khí công để cổ trở nên mạnh mẽ, người tập cần có tấn pháp vững chắc và sự phối hợp nhịp nhàng của toàn bộ các cơ chính.

Để tạo gia tốc ban đầu cho những chiếc xe di chuyển, cần một lực từ 300 đến 600kg. Tuy nhiên, ôtô với trọng lượng 3 tấn được chiến sĩ cảnh sát đặc nhiệm dùng thanh sắt nhọn kê vào yết hầu đẩy đi trên đường. 

Nguyễn Đông