Thứ bảy, 20/4/2024
Thứ ba, 24/9/2019, 01:27 (GMT+7)

Tiêm kích từng bắn hạ 'chuyên gia diệt MiG' của Không quân Mỹ

Hai chiếc MiG-17 từng lập nhiều chiến công, thuộc Trung đoàn Không quân tiêm kích của huyền thoại phi công Nguyễn Văn Bảy đang được lưu giữ tại Hà Nội.

Hai chiếc MiG-17 của Trung đoàn Không quân tiêm kích 923 - nơi huyền thoại phi công Nguyễn Văn Bảy A từng chiến đấu và là Trung đoàn trưởng, đang được trưng bày ở Bảo tàng Phòng không Không quân (đường Trường Chinh).

Chiếc thứ nhất mang số hiệu 2047 do phi công Nguyễn Văn Bảy B lái đã ném bom trúng tàu khu trục Hi-Bi của Mỹ vào năm 1972. Đó là lần đầu tiên từ sau Đại chiến thế giới II, Hạm đội 7 của Mỹ bị đánh từ trên xuống.

Chiếc thứ hai mang số hiệu 2011 đã bắn rơi chiếc F-4C của đại tá Norman Gaddis - biệt danh "chuyên gia diệt MiG" thuộc Không lực Mỹ trên bầu trời Hoà Lạc (Hà Nội).

Ngày 12/5/1967, các tốp máy bay Mỹ bay vào từ hướng Tây Nam với ý đồ tấn công các mục tiêu quanh Hà Nội và sân bay Hoà Lạc. Sở chỉ huy Trung đoàn 923 quyết định sử dụng biên đội gồm các phi công Cao Thanh Tịnh, Lê Hải, Ngô Đức Mai và Hoàng Văn Kỷ. 

Theo chỉ dẫn của đài chỉ huy, biên đội MiG-17 đã tách thành hai tốp không chiến với máy bay Mỹ. Số 1 Cao Thanh Tịnh và số 2 Lê Hải nhắm bắn một chiếc F-105 nhưng không trúng. Ngay khi thoát ly, số 1 Tịnh phát hiện 2 chiếc F-4 đang bay phía trước nên đã bám theo, đến cự ly thích hợp thì nổ súng bắn rơi 1 chiếc. 

Trong khi đó, các phi công số 3 Ngô Đức Mai lái máy bay số hiệu 2011 phát hiện một chiếc F-4C khác chui từ dưới mây lên, đó là chiếc F-4 do đại tá Norman Gaddis điều khiển. Ngô Đức Mai bám theo khi cự ly giữa hai máy bay chỉ còn 300 m, độ cao 1.500 m thì nổ hai loạt súng. Do máy bay hai bên lúc ẩn, lúc hiện giữa các đám mây, Gaddis chưa kịp định thần xem chiếc MiG-17 ở đâu thì trúng loạt đạn tiếp theo của chiếc MiG số hiệu 2011 và bốc cháy, rơi cách sân bay Hoà Lạc 20 km. Norman Gaddis nhảy dù và bị bắt.  

Bại tướng Norman Gaddis của chiếc MiG -17 số 2011 và phi công Ngô Đức Mai khi đó là Phó ban tác chiến thuộc Bộ tham mưu Không quân Mỹ, người được mệnh danh là "chuyên gia diệt MiG" và được cử sang Việt Nam với chức danh Phó tư lệnh Không đoàn tiêm kích chiến thuật số 12 để nghiên cứu chiến thuật không chiến và tìm diệt MiG của Không quân nhân dân Việt Nam. 

Tại thời điểm bị bắn rơi, đại tá Norman Gaddis đã có hơn 4.300 giờ bay trong khi phi công Ngô Đức Mai mới chỉ có hơn 300 giờ bay. Trước đó, năm 1960, Norman được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng trường Cao đẳng sĩ quan tham mưu không quân cao cấp, làm công tác đào tạo phi công chiến đấu chuyên nhiệm vụ “chống lại các máy bay MiG của Liên Xô”. 

Trong suốt lịch sử phục vụ của mình, chiếc máy bay MiG-17 số 2011 của Trung đoàn 923 đã cùng với các phi công Việt Nam bắn hạ 106 máy bay Mỹ - một tỷ lệ được chính các phi công Mỹ thán phục.

Với những phi công sừng sỏ, giàu kinh nghiệm với hàng nghìn giờ bay của Không lực Mỹ, việc bị MiG-17 bắn hạ là nỗi đau khó có thể "nuốt trôi" bởi so với các máy bay hiện đại của họ, MiG-17 thua kém toàn diện.

Tiêm kích MiG-17 được các phi công Việt Nam gọi là "Cánh én bạc", chỉ được trang bị một pháo Nudelman N-37 cỡ nòng 37 mm (40 viên đạn) và 2 pháo NR-23 cỡ 23 mm (160 viên đạn) và tầm bắn chỉ hiệu quả trong khoảng 400 m. Tốc độ tối đa của MiG-17 là khoảng hơn 1.140 km/h. Trong khi đó, những chiếc F-4 có radar dẫn đường, mang 8 tên lửa đối không AM-7 hoặc AIM-9, tốc độ Mach 2,2 - nhanh gấp hai lần so với MiG-17.

Tất cả các biến thể MiG-17 có thể mang 100 kg bom trên hai mấu dưới cánh (một số chiếc có thể mang 250 kg bom).

Máy bay lắp một động cơ tuốc bin phản lực Klimov VK-1F cho phép đạt tốc độ 1.145 km/h (ở trần bay 3.000 m), tầm bay hơn 2.000 km, trần bay 16.600 m.

Cánh và đuôi của máy bay MiG-17 được thiết kế lại để tăng tính ổn định. Phần đuôi có thể nâng lên hạ xuống, sang trái phải.

Tại Bảo tàng Phòng không - Không quân, ngoài hai chiếc MiG-17 còn trưng bày các loại máy bay MiG-19, MiG-21, trực thăng vận tải, trực thăng săn ngầm… trong đó có chiếc máy bay ném bom A-37 của Phi đội Quyết Thắng đã oanh tạc sân bay Tân Sơn Nhất, góp phần giành thắng lợi trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Ngọc Thành