Thứ năm, 25/4/2024
Thứ năm, 5/1/2017, 12:09 (GMT+7)

Buýt nhanh bị xe máy, taxi lấn làn

Dù đường khá thoáng vào giờ thấp điểm, tuy nhiên nhiều phương tiện như taxi, xe máy vẫn tạt đầu, thậm chí xe biển xanh lấn làn khiến tài xế xe buýt nhanh ở Hà Nội liên tục nhấn còi.

Tuyến buýt nhanh đầu tiên ở Thủ đô hoạt động chính thức từ 1/1.

Trong những ngày đầu tiên, lực lượng chức năng chốt tại các nút giao để phân luồng, hướng dẫn phương tiện không đi vào làn xe buýt nhanh.

Vào giờ thấp điểm, làn đường dành riêng cho buýt nhanh tại các tuyến như Quang Trung, Lê Trọng Tấn, Lê Văn Lương... khá thoáng. Tuy nhiên vẫn xuất hiện một vài phương tiện lấn làn.

Trên đường Tố Hữu, qua những điểm giao cắt có tín hiệu đèn, dù không phải giờ cao điểm nhưng ôtô dồn ứ kéo dài, một số tài xế cố tình đi vào làn buýt nhanh.

Trong hàng phương tiện giao thông kéo dài, một số xe máy cố lách vào làn buýt nhanh, có trường hợp tạt đầu bất ngờ khiến tài xế buýt phanh gấp, hành khách trên xe nháo nhào, lao người về phía trước.

Không chỉ xe máy mà nhiều xe ôtô, taxi, xe biển xanh cố tình lấn làn, bám sát đuôi xe buýt nhanh. 

Tại nút giao Khuất Duy Tiến - Tố Hữu, điểm phức tạp về giao thông, vào giờ thấp điểm buýt chạy trên làn thông thoáng; các đèn tín hiệu ở đây đã được điều chỉnh để định hướng phương tiện.

Trên cầu vượt nhẹ Lê Văn Lương, xe buýt lưu thông hỗn hợp cùng các phương tiện khác trong giờ thấp điểm, nên tốc độ khá thấp.

Qua khỏi cầu vượt nhẹ Lê Văn Lương vài chục mét, buýt nhanh chạy ở tuyến Láng Hạ với tốc độ trên 40km/h.

Đoạn Giảng Võ, Cát Linh, xe buýt chạy làn riêng, tuy nhiên tại đây có nhiều điểm quay đầu và nhiều đường ngang nên lượng phương tiện khá đông đúc. Dù không phải giờ cao điểm, buýt nhanh vẫn gặp một số trở ngại vì các phương tiện lưu thông kín phía trước.

Chiều 4/1, chạy dọc tuyến Lê Văn Lương - Tố Hữu, tài xế buýt nhanh liên tục nhấn còi để cảnh báo các phương tiện lấn làn. 

" Mấy hôm trước lúc nào tôi cũng trong tình trạng nhấn còi mỏi tay, hôm nay có đỡ hơn", tài xế Nguyễn Huy Dũng có 13 năm kinh nghiệm chia sẻ. Theo anh Dũng, thông thường mỗi ca trực 8 tiếng, anh chạy khoảng 10 chuyến. Giờ thấp điểm tốc độ trung bình một chuyến khoảng 43-45 phút, giờ cao điểm nhiều hơn khoảng 5-10 phút.

"Thời gian nhanh hay chậm của mỗi chuyến phụ thuộc rất nhiều vào ý thức của người tham gia giao thông", tài xế Dũng nói.

Tại các ngã tư lớn nơi có tuyến buýt nhanh chạy qua, 2 đến 3 cảnh sát giao thông điều tiết phương tiện, phân làn giúp xe buýt lưu thông thuận lợi.

Tuyến buýt nhanh xuất phát từ bến Kim Mã lúc 15h40 ngày 4/1 khá đông khách. Cũng trong buổi chiều, lượng khách từ bến Yên Nghĩa về Kim Mã lại vắng vẻ hơn.

Theo Tổng Công ty vận tải Hà Nội, tuyến buýt đưa vào hoạt động chính thức được 4 ngày đã đạt được hiệu quả nhất định, Mỗi ngày loại hình này vận chuyển khoảng 10.000 lượt khách; tần suất từ 5-15 phút/chuyến và 45 phút/lượt. 

Lãnh đạo đội Cảnh sát giao thông số 3 và số 7 cho biết, trong thời gian đầu lực lượng chức năng chỉ tuyên truyền, nhắc nhở mà chưa xử phạt người lấn làn xe buýt. Sau một thời gian nhắc nhở, các phương tiện cố tình không chấp hành sẽ bị xử phạt theo quy định.

Buýt nhanh chạy giờ thấp điểm nhìn từ trên cao
 
 

Bá Đô - Giang Huy