Thứ bảy, 20/4/2024
Thứ năm, 8/6/2017, 10:34 (GMT+7)

Bộ sưu tập đồ gốm của lão nông 70 tuổi

Ông Lê Trọng Diễn ở Huế là chủ nhân của một bảo tàng nhỏ với hàng nghìn hiện vật gốm Phước Tích.

Bộ sưu tập gốm cổ làng Phước Tích của lão nông 70 tuổi
 
 

 

Để nhắc nhở con cháu về nghề gốm có tuổi đời hơn 500 năm ở làng Phước Tích, xã Phong Hòa, tỉnh Thừa Thiên Huế, lão nông Lê Trọng Diễn (70 tuổi) đã dùng ngôi nhà rường rộng 70 m2 tổ tiên để lại để trưng bày hàng nghìn sản phẩm gốm truyền thống của làng. 

Theo ông Diễn, làng Phước Tích xưa kia có nghề làm gốm, với 63 mẫu sản phẩm đều là đồ dùng trong cuộc sống hàng ngày, không có gốm trang trí. Đất sét để làm gốm Phước Tích được lấy từ làng Diên Khánh (huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) cách làng Phước Tích khoảng 12 km.

Khi vua Gia Long lên ngôi năm 1802, làng Phước Tích được sản xuất om ngự tiến cung - sản phẩm dùng để nấu cơm phục vụ nhà vua.

Bộ sưu tập của ông Lê Trọng Diễn có đầy đủ 63 sản phẩm gốm dân dụng, gồm om, ấm, chén, cối tiêu, bình vôi, chum, lu…

Căn nhà rường của ông Lê Trọng Diễn đã trở thành một bảo tàng nhỏ thu hút nhiều đoàn khách đến thăm, tìm hiểu về làng gốm nổi tiếng xứ Huế với câu ca: "Om Phước Tích ngon cơm hoàng đế/Sen Hà Trì quý thế Phú Xuân”.

Chiếc ấm sắc thuốc do nghệ nhân làng gốm Phước Tích làm.

Những lọ gốm đựng ngũ cốc, thường được dùng ở các đám tang để chôn cất cùng người đã mất.

Các sản phẩm bằng gốm của làng Phước Tích thường không tráng men.

Một chiếc om khún xưa kia dùng để nấu cơm, kho cá.

"Hiện đa số lò gốm của dân làng Phước Tích đã ngừng hoạt động, thế hệ trẻ của làng không mấy ai theo nghề của ông cha. Vì vậy, tôi lưu giữ lại các sản phẩm gốm để nhắc nhở con cháu về nghề truyền thống của làng", ông Diễn chia sẻ.

Võ Thạnh