Sáng 19/11, trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, ông Bùi Sỹ Lợi - Phó chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội cho biết, Thường vụ Quốc hội đã chốt bổ sung một ngày nghỉ lễ vào dịp Quốc khánh (2/9), thay vì vào ngày gia đình Việt Nam (28/6) như đa số ý kiến các đại biểu đề xuất trước đó.
"Nếu được Quốc hội thông qua, Chính phủ sẽ lựa chọn ngày nghỉ vào 1/9 hoặc 3/9 tuỳ theo lịch từng năm. Nghĩa là dịp Quốc khánh, người lao động sẽ có hai ngày nghỉ thay vì một ngày như lâu nay", ông Lợi nói.
Ông Lợi giải thích, Thường vụ Quốc hội chọn bổ sung ngày nghỉ vào dịp Quốc khánh vì đây là ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, nên có ý nghĩa cao hơn ngày gia đình Việt Nam. Hơn nữa, đây cũng là dịp cận kề với ngày trẻ em, học sinh, sinh viên đến trường (5/9), nên người lao động sẽ có thêm ngày nghỉ để chuẩn bị sách vở, điều kiện đưa con đi học.
Trước đó ngày 6/11, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội một số nội dung của dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi, trong đó có đề xuất thêm ngày nghỉ lễ vào 28/6.
Ban soạn thảo Bộ luật từng đề xuất bổ sung ngày nghỉ lễ 27/7 để tri ân người có công. Tuy nhiên, tại kỳ họp Quốc hội giữa năm, nhiều đại biểu cho rằng việc lấy ngày 27/7 là không phù hợp. Chính phủ sau đó rút đề xuất này.
Tại phiên thảo luận ngày 23/10, một số đại biểu lại đề nghị Chính phủ bổ sung một ngày nghỉ vào Bộ luật Lao động sửa đổi, có thể là ngày toàn dân đưa trẻ đến trường, hoặc ngày gia đình Việt Nam để người lao động có thời gian nghỉ ngơi, chăm sóc gia đình.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng kiến nghị bổ sung 3 ngày nghỉ lễ trong năm, gồm ngày 28/6 và hai ngày nghỉ dịp Tết Dương lịch. Bởi hiện nay, số ngày nghỉ lễ, Tết của Việt Nam là 10, mức trung bình thấp so với khu vực và thế giới. Campuchia hiện nghỉ 28 ngày, Brunei nghỉ 15, Indonesia 16, Trung Quốc 21, Nhật Bản 16 ngày...
Dự thảo Luật Lao động (sửa đổi) sẽ được Quốc hội biểu quyết thông qua vào ngày mai 20/11.