Thứ sáu, 29/3/2024
Thứ bảy, 30/3/2019, 00:00 (GMT+7)

Bắt bọ xít làm món ăn ở vùng núi Thanh Hóa

Mỗi ngày một người dân ở Ngọc Lặc có thể bắt được khoảng 2 kg bọ xít đưa về chế biến thành món ăn.

Ông Chương Văn Nghị ở xã Minh Tiến (huyện Ngọc Lặc, Thanh Hoá) theo nghề bắt bọ xít hơn 10 năm. Hàng ngày, ông dùng sào tre và túi ni lông đi bắt bọ xít giúp các hộ dân trong xã.

Mùa bọ xít kéo dài từ tháng giêng đến tháng ba (âm lịch). Khi hoa nhãn, hoa vải nở ở miền núi phía Tây Thanh Hóa, bọ xít tìm đến hút nhựa cây ở chồi non, rặng hoa... khiến cho hoa, quả non héo rụng.

Trên cây, bọ xít sống tập trung thành đàn 12 – 14 con, di chuyển chậm. Khi bắt, hai người dùng sào có túi đựng lồng vào rặng hoa lắc nhẹ để bọ xít rơi xuống.

Ở Ngọc Lặc, người làm nghề bắt bọ xít không nhiều nên họ thường được các gia đình trồng nhãn, vải "săn đón", nhờ giúp bắt loài gây hại này.

Bọ xít rụng xuống túi bóng được gom lại và loại bỏ lá, cành cây lẫn vào.

Để bắt bọ xít, người thợ dùng găng tay cao su để tránh tiếp xúc trực tiếp. Bọ xít khi bị chạm vào thường tiết ra mùi hôi khó chịu, nước tiểu của chúng có thể làm cháy da người.

Hai người thợ có thể bắt được từ 3 đến 5 kg bọ xít mỗi ngày.

Dù đã đeo găng tay bảo vệ nhưng da tay của người bắt bọ xít vẫn bị nước tiểu của loài này làm cháy da.

Nhiều người dân sử dụng bọ xít làm thực phẩm với cách chế biến đơn giản. Sau khi rửa sơ qua, chúng được ngâm trong nước muối 10 phút để làm sạch, sau đó nhặt cánh, bỏ đầu, luộc nước sôi và ướp gia vị; công đoạn chế biến cuối cùng là chao trong chảo dầu.

Người dân cho bọ xít vào chậu nhôm để ướp gia vị trong quá trình chế biến.

Bọ xít sau khi chín được rắc thêm lá chanh để tạo vị. Đây là món ăn được nhiều người Mường ở Ngọc Lặc ưa thích.

Ngọc Thành