Thứ năm, 18/4/2024
Thứ hai, 29/12/2014, 08:14 (GMT+7)

5 hang dung nham lớn nhất Đông Nam Á ở Việt Nam

Ba hang vừa phát hiện ở Đắk Nông được ghi nhận là hang lớn thứ nhất, thứ hai và thứ năm khu vực Đông Nam Á với nhiều cấu trúc đặc trưng cho quá trình phun trào như các ngấn, dòng chảy dung nham được hình thành cách đây hàng triệu năm.

Năm 2007, quá trình khảo sát địa chất ở khu vực huyện Cư Jut, tỉnh Đăk Nông, Bảo tàng địa chất Việt Nam (Tổng cục địa chất và khoáng sản) đã phát hiện hệ thống hang động núi lửa trong đá bazan ở Chư B’Luck, xã Buôn Choah, huyện Krông Nô với chiều dài 25 km. Đến năm 2012, Bảo tàng hợp tác với Hiệp hội hang động núi lửa Nhật Bản bắt đầu khảo sát chi tiết hệ thống hang động này. Ảnh: Hiệp hội hang động núi lửa Nhật Bản.

Nhóm khoa học đã nghiên cứu chi tiết ba hang và phát hiện C7 là hang động dung nham dài nhất Đông Nam Á; C3 lớn thứ hai và A1 lớn thứ năm khu vực. Lòng các hang có hình ống, trên tường có thạch nhũ dung nham, các "kệ" nham thạch, những dấu vết nằm ngang hoặc cuộn xoắn trên tường hang thể hiện mức dung nham và hướng của dòng nham thạch. Trên hình là dấu vết về dòng nham thạch còn lưu lại trên thành hang C7. Ảnh: Hiệp hội hang động núi lửa Nhật Bản.

Các đoạn hang có dạng ống khác biệt nhau trong lòng hang C7. Hang này có chiều dài khoảng một km. Trong hang nhiều cấu trúc đặc trưng cho quá trình phun trào như các ngấn, dòng chảy dung nham, hố sụt, các di tích thực vật được hình thành cách đây hàng triệu năm đã được tìm thấy. Ảnh: Hiệp hội hang động núi lửa Nhật Bản.

Rắn cạp nia Bungarus candidus trong hang C7. Ngoài ra, nhóm còn phát hiện loài ốc sên, ếch và nhiều dấu tích của thực vật. Ảnh: Hiệp hội hang động núi lửa Nhật Bản.

Theo các nhà khoa học Nhật Bản, nền hang C7 rất đẹp, có nhiều hoa văn và trông giống như bề mặt dòng dung nham. Trong hang còn có nhiều thạch nhũ và các nhánh khác nhau. Ảnh: Hiệp hội hang động núi lửa Nhật Bản.

Nhóm khoa học dùng tia laser để đo đạc trong hang C3. Với chiều dài 594,4 mét, C3 là hang dung nham lớn thứ hai Đông Nam Á. Hang có hình dạng ống, các nham thạch và dung nham rất mịn, dòng chảy đều, đẹp. Ảnh: Hiệp hội hang động núi lửa Nhật Bản.

Trên thành hang có nhiều di tích, nhất là sự xuất hiện của hóa thạch khuôn cây, cho thấy sự hiện diện của một khu rừng khi núi lửa phun trào và dung nham chảy ra. Dòng dung nham bám quanh và đông cứng lại xung quanh cây, sau đó cây biến mất đã để lại khuôn. Ảnh: Hiệp hội hang động núi lửa Nhật Bản.

Hang A1 nằm ở phía nam - tây nam ngọn núi lửa Chu B'luk. Hang này dài 456,7 mét với dòng nham trong lòng hang lồi lên và được nhà khoa học so sánh giống như một con đê. Hang này xếp thứ năm về độ dài của hang động dung nham ở Đông Nam Á. Ảnh: Hiệp hội hang động núi lửa Nhật Bản.

Thời gian tới các nhà khoa học tiếp tục ghi nhận nghiên cứu, khảo sát các hang động nhóm B và C (C1, C2, C4, C5, C6, C8). Trên hình là nhiều ngã rẽ tại một điểm sập trần của hang C8. Nhóm khoa học và giới chức địa phương đang triển khai đề án nhằm xây dựng hệ thống hang động trên thành Công viên địa chất cấp quốc gia, hướng đến đề nghị UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu. Ảnh: Hiệp hội hang động núi lửa Nhật Bản.

Hang Dơi 1 và 2 ở ấp 8, xã Phú Lộc, huyện Tân Phú, Đồng Nai từ vị trí thứ nhất chuyển xuống xếp thứ 3 và thứ 4 khu vực Đông Nam Á với chiều dài 545 m. Hang này được Viện Sinh học nhiệt đới và Hội Hang động Berlin công bố vào tháng 4 năm ngoái. Ảnh: Torsten Kohn.

Nhóm khoa học phát hiện một số loài dơi trong hang với quần thể lên đến hàng nghìn con, cùng với các loài động vật khác thuộc nhóm nhện, rết, bọ cạp, dế hang, ruồi, động vật có vú giống như chồn. Trước đó, hang động hang dung nham dài nhất Đông Nam Á là hang Gua Lawah ở Indonesia có chiều dài 400 m. Ảnh: Torsten Kohn.

Hương Thu