Thứ năm, 25/4/2024
Thứ bảy, 12/1/2019, 08:52 (GMT+7)

5 cầu dây văng nổi tiếng ở miền Bắc

Bạch Đằng, Nhật Tân, Bãi Cháy... là những cầu dây văng gắn liền với các địa danh nổi tiếng ở Hải Phòng, Hà Nội và Quảng Ninh.

Cầu Nhật Tân nhìn tử trên cao
 
 

Cầu Nhật Tân nhìn từ trên cao

Cầu Bạch Đằng nối cao tốc Hạ Long - Hải Phòng là cây cầu lớn nhất cả nước và đứng thứ 3 trong số 7 cây cầu dây văng có nhiều nhịp nhất thế giới. Cầu bắc qua Sông Bạch Đằng (nơi từng diễn ra những trận chiến đánh đuổi quân Nguyên Mông xâm lược của nhà Trần), được khánh thành vào tháng 9/2018 nối Hải Phòng và Quảng Ninh.

Cầu dài 5,4 km bao gồm cả đường dẫn, rộng 25 m, thiết kế 4 làn xe, vận tốc tối đa 100 km/h; riêng chiều dài cầu là 3,5 km; được đầu tư theo hình thức BOT với tổng vốn hơn 7.270 tỷ đồng. 

Cầu Bạch Đằng được thiết kế 3 trụ tháp là 3 chữ H, biểu tượng kết nối 3 thành phố kinh tế trọng điểm phía Bắc là Hà Nội, Hải Phòng và Hạ Long (Quảng Ninh). Cầu được thiết kế 6 làn xe chạy, mỗi bên ba làn.

Cầu Bãi Cháy (Hạ Long, Quảng Ninh) là cầu dây văng lớn nhất khu vực phía Bắc ở thời điểm khánh thành năm 2006.  Cầu có tổng kinh phí xây dựng 2.100 tỷ đồng.

Cầu nằm trên quốc lộ 18, dài hơn 900 m, rộng hơn 25 m nối Hòn Gai với Bãi Cháy qua eo Cửa Lục, ngăn cách vịnh Cửa Lục với vịnh Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh).

Cầu Bãi Cháy có kết cấu dây văng một mặt phẳng đầu tiên của Việt Nam. 

Khánh thành tháng 1/2015, cầu Nhật Tân là cầu dây văng đầu tiên của Hà Nội với tổng chiều dài gồm đường dẫn là 8.900 m, phần chính cầu dài 1.500 m. Sáu nhịp dây văng kết hợp cùng 5 trụ tháp hình thoi - tượng trưng cho 5 cửa ô.

Dự án có tổng mức đầu tư hơn 13.600 tỷ đồng, gồm vốn vay từ cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản - JICA và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.

Mặt cầu rộng 33,2 m với 8 làn xe cho cả hai chiều, chia thành 4 làn xe cơ giới, 2 làn xe buýt, 2 dải hỗn hợp, phân cách giữa, đường dành cho người đi bộ.

Cầu Nhật Tân được khánh thành đồng bộ với đường Nhật Tân - Nội Bài tạo nên một tuyến cao tốc hiện đại, rút ngắn gần một nửa thời gian di chuyển từ Cảng hàng không quốc tế Nội Bài tới trung tâm Hà Nội.

Cầu Rào 2 bắc qua sông Lạch Tray, Hải Phòng khánh thành năm 2012. Đây là cây cầu đẹp và hiện đại nhất Hải Phòng, nối quận Lê Chân với quận Dương Kinh. Cầu có kết cấu dầm thép liên tục, rộng 50 m, đường dẫn hai đầu cầu dài hơn 700 m, rộng 36 m; tổng mức đầu tư hơn 700 tỷ đồng. 

Cầu Rào được thiết kế một trụ tháp cao 47 m, bề rộng mặt cầu 25,5 m cho 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ. Đây là công trình thể hiện tình hữu nghị giữa 2 nước Việt Nam và Phần Lan.

Cầu Bính khánh thành năm 2005 với tổng mức đầu tư 943 tỷ đồng. Cầu bắc qua sông Cấm nối thành phố Hải Phòng với huyện Thủy Nguyên và đi ra tỉnh Quảng Ninh.

Cầu Bính có chiều dài 1.280  m, rộng 22,5 m, cho bốn làn xe cơ giới và hai làn xe thô sơ, chiều cao thông thuyền 25 m cho phép tàu 3.000 tấn qua lại. Cầu được thiết kế theo đường cong để tạo dáng kiến trúc và thẩm mỹ, đường dẫn hai đầu cầu là đường cấp một đô thị.

Nhóm phóng viên