Thứ ba, 23/4/2024
Thứ năm, 7/2/2019, 11:28 (GMT+7)

2.000 người chơi bài chòi ngày Tết ở Quảng Ngãi

Môn nghệ thuật dân gian ra đời từ 400 năm trước, được UNESCO công nhận di sản phi vật thể nhân loại, thu hút rất đông người tham gia.

Hội Bài chòi ở Trung tâm hoạt động Thanh thiếu nhi Diên Hồng (TP Quảng Ngãi) có khoảng 300 người tham gia, tối Mùng 2 Tết (6/2). Hoạt động này được tổ chức từ Mùng 1 đến Mùng 8 với hơn 2.000 người chơi.

Bộ bài gồm 33 lá. Mỗi khi anh hiệu hoặc chị hiệu (người quản trò) xướng tên lá bài nào, người ngồi trong chòi đang giữ lá bài đó được tặng cờ. Để tăng kịch tính và sức hấp dẫn cho trò chơi, trước khi xướng tên lá bài, anh hiệu và chị hiệu sẽ hát một đoạn hoặc câu dân ca.

Nghệ nhân bài chòi Nguyễn Thực (có hơn 30 năm làm anh hiệu) chia sẻ, nội dung những câu dân ca thường gần gũi với đời sống, khiến người chơi thích thú.

Xưa kia người chơi sẽ ngồi trong các chòi bằng tre và lá dừa, nhưng nay các câu lạc bộ bài chòi cải tiến thành chòi inox để tiện việc dựng sân khấu. Trong các chòi, người chơi chăm chú theo các bài ca để chờ đợi con bài được xướng tên.

Có cha mẹ là nghệ nhân môn này, anh Phạm Nhật Hoàng đi theo để làm "anh hiệu chạy chờ". "Nhiệm vụ của tôi là soạn các lá bài, trao bài, cờ và phần thưởng cho khách", anh nói.

Người chơi dò lá bài khi anh hiệu xướng tên.

Trò chơi thu hút cả người già và trẻ nhỏ. Mỗi khi trúng tên lá bài, người chơi gõ thật mạnh vào ống tre để thông báo cho người đến trao cờ. Khi trúng ba lá bài và nhận được ba cây cờ, họ sẽ có phần thưởng.

Cậu bé rạng rỡ khi nhận được hai lá cờ trong hội bài chòi.

Bài chòi ra đời từ cuối thế kỷ 16. Khi đó, người dân thường dựng chòi khua trống, gõ mõ xua thú rừng khỏi phá hoại mùa màng. Để khuây khỏa lúc nhàn rỗi, họ chế ống tre làm ống loa nói chuyện với nhau từ chòi này sang chòi khác, hát đối đáp những câu ca dao, tạo thành loại hình "hát ống". Cụ Đào Duy Từ ở ngoài Bắc vào Bình Định khai khẩn đất hoang từ năm 1571 đã phát triển loại hình này thành trò chơi bài chòi để giải trí.

Cuối 2017, UNESCO công nhận Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ (từ Quảng Bình đến Khánh Hòa) là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Trước đó, tối Mùng 1 Tết, Hội Bài chòi cũng được tổ chức ở xã Bình Thạnh, huyện Bình Sơn. Nghệ nhân Vũ Huy Bình (áo vàng, 70 tuổi) đã tập hợp một số người biết hát dân ca trong xã để thành lập Câu lạc bộ Văn nghệ dân gian Bình Thạnh hoạt động từ ba năm qua.

Ông Nguyễn Thực (Phó Giám đốc Trung tâm bảo tồn nghệ thuật dân ca bài chòi và hát hố Quảng Ngãi) cho hay, tỉnh có hơn 12 nghệ nhân hát bài chòi, thành lập 12 câu lạc bộ để hát vào các dịp lễ tết, trong các nhà thờ dòng họ, đình chùa; đồng thời truyền dạy nghệ thuật này cho trẻ em.

Nghệ nhân hát bài chòi ngày Tết ở Quảng Ngãi
 
 
Nghệ nhân hát bài chòi.

Phạm Linh