Thứ năm, 28/3/2024
Thứ bảy, 16/9/2017, 15:00 (GMT+7)

10 hộ dân nuôi vịt dưới tán rừng ở Tuyên Quang

Các hộ dân được giao khoán bảo vệ gần 20 ha rừng phòng hộ, kết hợp nuôi vịt ven hồ thủy điện để phát triển kinh tế.

Đề án giao khoán bảo vệ và phát triển kinh tế rừng của huyện Lâm Bình (Tuyên Quang) mới được triển khai vài năm gần đây. Hồ thủy điện Tuyên Quang có diện tích mặt nước rộng 8.000ha, trong đó huyện Lâm Bình chiếm trên 4.000ha. Ngoài cảnh quan thiên nhiên đẹp, nguồn thức ăn tự nhiên trù phú còn khiến nông dân nơi đây phát triển ý tưởng chăn nuôi gia cầm thả hồ.

polyad

Hồ thủy điện Tuyên Quang. Ảnh: Bizmedia

10 hộ nông dân xã Thượng Lâm quyết định thành lập tổ hợp tác chăn nuôi gia cầm gần hồ thủy điện. Các hộ được giao khoán bảo vệ gần 20 ha rừng phòng hộ. Tận dụng phần diện tích đất trống ven hồ, ban dự án Tam nông của huyện đã hỗ trợ các hộ dân nhận khoán đất về phát triển chăn nuôi. Trong đó, phương án chủ lực là nuôi vịt đẻ trứng, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Mô hình chăn thả vịt khá thuận lợi nhờ diện tích mặt nước rộng, lượng cá tép lòng hồ khá dồi dào, nguồn nước sạch, các phụ phẩm nông nghiệp dồi dào (cám gạo, cám ngô, chuối cây...).

Vịt nuôi dưới tán rừng phòng hộ được cách ly với môi trường có thể lây lan dịch bệnh. Các khâu xây dựng chuồng trại, chọn giống, chăm sóc, tiêm phòng, vệ sinh thú y cho đàn... đều được cán bộ chuyên môn hỗ trợ. Nhờ vậy đàn vịt phát triển khỏe mạnh, lớn nhanh, cho chất lượng trứng sạch, an toàn, giàu dinh dưỡng. Thịt vịt cũng cho vị thơm ngon đặc trưng.

Mô hình nuôi vịt dưới tán rừng, ven hồ thủy điện

10 hộ dân nuôi vịt dưới tán rừng ở Tuyên Quang
 
 

Năm 2016, khu chăn nuôi có trên 3.000 con vịt, cung cấp cho thị trường huyện và các địa bàn lân cận khoảng 21.000 quả trứng mỗi tháng. Ngoài ra, tổ hợp tác còn tiến hành mở rộng chăn nuôi thêm ngan, vịt trời, trâu... Tổng doanh thu mang lại khoảng hơn 600 triệu đồng mỗi năm.

Theo đánh giá của Phòng Nông nghiệp huyện Lâm Bình, chăn nuôi dưới tán rừng là một trong những mô hình hiệu quả nhất trong đề án giao khoán bảo vệ và phát triển kinh tế rừng của huyện.

Đề án giúp xóa đói giảm nghèo, diện tích rừng sau khi giao khoán còn được các hộ dân bảo vệ và sử dụng đúng mục đích. Từ đó, hạn chế được phần lớn tình trạng phá rừng làm nương rẫy, góp phần duy trì tốt nguồn nước cho 2 nhà thủy điện Tuyên Quang và Chiêm Hóa, giữ môi trường sinh thái bền vững.

polyad

Sản phẩm trứng vịt Lâm Bình giới thiệu tại hội chợ xúc tiến thương mại.

Vũ Đậu

Chia sẻ bài viết qua email