Học viên cai nghiện chơi thể thao, tại Trung tâm giáo dục lao động xã hội Hà Nội. Ảnh: H.K. |
Ông Lê Đức Hiền, Cục phó Phòng chống tệ nạn xã hội, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội giải thích, thực tiễn công tác cai nghiện cho thấy thời gian cai bắt buộc càng lâu thì hiệu quả chữa trị, giáo dục thay đổi hành vi của người nghiện càng cao.
"Mong muốn là tăng lên 2-3 năm, nhưng sẽ tạo gánh nặng chi phí cho nhà nước. Vì thế chúng tôi đề xuất thời gian cai tối thiểu là một năm như hiện nay, chỉ tăng thời gian cai tối đa lên 3 năm", ông nói.
Cùng với việc sửa đổi luật, cơ quan chức năng cũng đang nghiên cứu rút ngắn thời gian đưa người tái nghiện trở lại cai bắt buộc từ 2 năm như hiện nay xuống còn 6 tháng. Hiện theo điều 3 nghị định 135 về áp dụng các biện pháp đưa người vào cơ sở chữa bệnh, trong 2 năm kể từ khi chấp hành xong quyết định đưa vào chữa bệnh, người tái nghiện sẽ không được trở lại các cơ sở trên.
"Không được cai bắt buộc, cũng không bị phạt tù theo Bộ luật hình sự (nếu trong 2 năm sau thời cai bắt buộc mà tái nghiện sẽ bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm), những người tái nghiện đã gây ảnh hưởng rất lớn đến an ninh trật tự xã hội, làm gia tăng nạn tiêm chích, buôn bán ma túy... Đều quan trọng là làm gián đoạn quá trình cai nghiện, giảm hiệu quả công tác cai", ông Hiền phân tích.
Với những nỗ lực sửa đổi luật, cộng với đẩy mạnh giải pháp tuyên truyền, nâng cao cơ sở vật chất của các trung tâm cai nghiện, tăng cường hoạt động giúp đỡ, quản lý giám sát sau cai, ngành lao động đang cố gắng giảm tỷ lệ tái nghiện mỗi năm 8-10%. Hiện cả nước có 166.000 người nghiện, trong đó khoảng 60.000 người được cai mỗi năm. Tuy nhiên, tỷ lệ tái nghiện lên đến 75-90%.
Hồng Khánh