Hội đồng chung khảo giải thưởng nhận định, giải Thành tựu trọn đời về thơ được truy tặng cho Trần Dần (1926-1997) “để khẳng định tính độc đáo và mới mẻ của những tác phẩm lần đầu được chính thức công bố, tính cập thời và bền vững của các tác phẩm, tính tiên phong mở đường trong đổi mới thơ, có ảnh hưởng lớn đến nhiều thế hệ cách tân thơ đương đại… Với tập Thơ Trần Dần, lần đầu tiên nhà thơ cách tân và cách tân có hiệu quả Trần Dần đã đến với độc giả một cách dày dặn, có hệ thống. Nhà thơ đã hiện lên như một chân dung mới mẻ, tài hoa, suốt đời trăn trở tìm tòi đổi mới cho thơ, tạo được hiệu quả thẩm mỹ. Một tính cách thơ vạm vỡ, gây ấn tượng mạnh và nhiều sức thuyết phục trong quyết tâm cách tân”.
![]() |
Tuyển tập "Thơ" của Trần Dần. Ảnh: H.L. |
Sách dày hơn 500 trang, tập hợp những tác phẩm tiêu biểu trong gần nửa thế kỷ âm thầm sáng tác của Trần Dần, do Công ty Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam liên kết với NXB Đà Nẵng ấn hành. Ngoài ba phần chính: Hãy đi mãi, Ngoại luật, Ván thu không, Thơ còn bao gồm những bài viết, nhận định, hồi ức của Hoàng Cầm, Phạm Thị Hoài, Vũ Văn Kha, Dương Tường, Trần Trọng Vũ... về con người, cuộc đời và sự nghiệp của ông.
Cùng lọt vào chung khảo hạng mục thơ với Trần Dần còn có cố nhà thơ Lê Đạt với tập U75 từ tình, Hoàng Việt Hằng với Vệt trăng và cánh cửa. Với 6 trong tổng số 9 phiếu, Vệt trăng và cánh cửa đoạt giải thưởng thơ. Tác phẩm được đánh giá “là một tập hợp những bài thơ mang tính tự sự, tính phóng sự, về những miền đất đã đi qua, những số phận người đã gặp. Tập thơ làm hiện lên bức chân dung của những người lao động bình thường ở các vùng đất, trong đó có cả những vùng sâu vùng xa mà nhà thơ đã đặt chân đến khi đi làm báo. Nhưng thế sự chỉ là cái cớ để ngay tức khắc nhà thơ hướng vào trong lòng mình, khuấy động và làm thức dậy những trắc ẩn, những tự vấn, những day dứt và cảm thông chân thành. Mảng thơ bộc lộ một nội tâm đơn độc gánh vác nghĩa vụ gia đình và xã hội, sự gồng mình gắng gỏi, sự pha trộn giữa yếu đuối và rắn rỏi vượt lên đã cho thấy một Hoàng Việt Hằng thật chân thực và khỏe khoắn. Thơ chị thuyết phục được người đọc chính là ở khả năng khuấy động cảm xúc và sự thành thực hết mình như vậy”.
Trong khi có hai giải thưởng dành cho thơ thì không một tác phẩm văn xuôi hay lý luận phê bình nào hội đủ số phiếu cần thiết để được tôn vinh. Lọt vào chung khảo ở hạng mục văn xuôi là Thăm thẳm bóng người (Đỗ Chu) và Giã biệt bóng tối (Tạ Duy Anh). Còn ở mảng lý luận phê bình là Văn hóa văn minh, văn hóa chân lý & văn hóa dịch lý (Hoàng Ngọc Hiến) và Thơ Việt Nam, tìm tòi và cách tân (Nguyễn Việt Chiến).
Có 3 tác phẩm tranh giải thưởng dịch thuật: Nửa kia của Hitler (Eric-Emmanuel Schmitt, Pháp, Nguyễn Đình Thành dịch), Kafka bên bờ biển (Haruki Murakami, Nhật Bản, Dương Tường dịch), Những kẻ thiện tâm (Jonathan Littell, Mỹ, Cao Việt Dũng dịch). Giành tối đa 9 phiếu của Hội đồng, bản dịch Nửa kia của Hitler của Nguyễn Đình Thành đã chiến thắng.
Từ giả thiết: Điều gì xảy ra nếu Adolf Hitler, tên độc tài phát xít của thế kỷ 20, trúng tuyển Đại học Mỹ thuật Viên?, Nửa kia của Hitler (nguyên tác La part de l’autre) dựng lên hai chân dung song song và đối lập: Adolf H. và Hitler. Cuộc đời hai con người này bị rẽ đôi bởi quyết định của Đại học Mỹ thuật Viên. Adolf H. trúng tuyển còn Adolf Hitler trượt. Adolf H. trở thành một họa sĩ tài danh, kết bạn cùng những họa sĩ nổi tiếng như Picasso, André Breton… , tận hưởng cuộc đời bình thường với những người tình và kết thúc sự sống bên cạnh những người thân. Còn Adolf Hitler dần dà căm phẫn cuộc đời, khước từ những mối quan hệ nhân bản với con người và trở thành gã độc tài đồng trinh.
![]() |
Cuốn "Nửa kia của Hitler" cho Nguyễn Đình Thành dịch. |
Hội đồng chung khảo đánh giá: “Dịch giả Nguyễn Đình Thành, với bản dịch tiểu thuyết Nửa kia của Hitler, đã có một đóng góp ở phương diện phát hiện ra tác phẩm hay để giới thiệu với độc giả Việt Nam… Nguyễn Đình Thành đã chứng tỏ sự am hiểu tác phẩm, sự đồng điệu với tác phẩm và chuyển dịch với một ngôn ngữ uyển chuyển và sinh động”. Tuy nhiên, đặt bên cạnh những dịch phẩm dày dặn và công phu như Kafka bên bờ biển và Những kẻ thiện tâm…, việc lựa chọn Nửa kia của Hitler để trao giải cũng được coi là sự khích lệ đối với một dịch giả trẻ và bản dịch đầu tay.
Hội đồng chung khảo giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội gồm Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội Hồ Anh Thái, Phó chủ tịch Phạm Xuân Nguyên, Bằng Việt (ủy viên Ban Chấp hành), Lê Minh Khuê (chủ tịch Hội đồng Văn xuôi), Đoàn Thị Lam Luyến (chủ tịch Hội đồng Thơ), Nguyễn Thị Minh Thái (chủ tịch Hội đồng Lý luận Phê bình), Đoàn Tử Huyến (chủ tịch Hội đồng Văn học Nước ngoài), nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ và nhà thơ Bùi Việt Mỹ.
Lễ trao giải sẽ diễn ra vào tháng 10.
Lưu Hà