Thứ sáu, 23/11/2018, 15:00 (GMT+7)

Bà Susan Kevork - chuyên gia dinh dưỡng cấp cao phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương Tập toàn Nestlé chia sẻ cùng VnExpress tầm quan trọng của vi chất dinh dưỡng và cải thiện dinh dưỡng cho trẻ em.

- Qua nhiều năm nghiên cứu thực tế, bà đánh giá thế nào về tình trạng thiếu hụt vi chất dinh dưỡng ở Việt Nam và thế giới?

- Hiện nay có hơn 2 tỷ người (hơn 30% dân số thế giới) bị thiếu hụt các vitamin và khoáng chất thiết yếu như sắt, vitamin A, iốt và kẽm. Ít nhất một nửa số trẻ em trên toàn thế giới tuổi từ 6 tháng đến 5 tuổi bị thiếu một hoặc nhiều vi chất dinh dưỡng.

Thiếu sắt là một trong những thiếu hụt vi chất dinh dưỡng phổ biến nhất, ảnh hưởng đến hơn 25% dân số. Con số này tăng lên 47% ở trẻ em mẫu giáo. Ngoài ra có 1/3 người trên thế giới thiếu kẽm, 250 triệu trẻ em độ tuổi mầm non thiếu vitamin A.

Riêng tại Việt Nam, tỷ lệ thiếu sắt ở trẻ em dưới 5 tuổi là 28%, phụ nữ có thai là 33%. Có đến 80% phụ nữ có thai và 69% trẻ em dưới 5 tuổi thiếu kẽm. Đồng thời có 24% trẻ dưới 5 tuổi thiếu vitamin A, 84% trẻ độ tuổi đi học thiếu iốt.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên mà nổi bật nhất có thể kể đến là chế độ ăn nghèo dinh dưỡng, quá trình nấu ăn, bảo quản làm mất dinh dưỡng thực phẩm và cho bé ăn dặm quá sớm, ít vi chất dinh dưỡng.

- Tác hại của việc thiếu vi chất dinh dưỡng là gì?

- Thiếu vi chất dinh dưỡng còn được gọi là nạn đói tiềm ẩn, dấu hiệu không rõ ràng, nhưng hậu quả rất nghiêm trọng, gây suy giảm tâm thần, sức khỏe kém, năng suất học tập thấp. Trong trường hợp nặng có thể dẫn đến tử vong. 

Ngoài ảnh hưởng đến sức khỏe, theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO), sự thiếu hụt các vitamin, khoáng chất thiết yếu tiêu tốn 2.100 tỷ USD mỗi năm cho chi phí xã hội.

- Như vậy cần làm gì để cải thiện tình trạng này?

- Hãy đa dạng các bữa ăn mỗi ngày, lên thực đơn với đủ 4 nhóm thực phẩm như cá, cua hoặc tôm; thịt bò hoặc thịt gà; gạo hoặc mì; rau xanh và cam; sữa hoặc các chế phẩm từ sữa.

Để giữ lại các chất dinh dưỡng trong rau, cách tốt nhất là tránh đun quá sôi, nấu trong thời gian dài. Sử dụng muối iốt nhưng không vượt quá nhu cầu khuyến nghị, hạn chế thực phẩm chiên rán vì đây có thể là nguồn chất béo không lành mạnh.

Nếu mẹ quá bận rộn, có thể nấu sẵn nước dùng từ xương, thịt và trữ trong ngăn đông tủ lạnh, chia thành nhiều phần nhỏ. Mỗi bữa ăn chỉ cần lấy đủ một phần, đun sôi và cho thêm rau củ. Nêm nếm với các gia vị tăng cường vi chất dinh dưỡng cũng là lựa chọn mà mẹ có thể tham khảo.

- Bà đã áp dụng cách nào cho gia đình để tránh hoặc cải thiện việc thiếu vi chất dinh dưỡng?

- Bản thân tôi từ lúc còn nhỏ đã có thói quen không xem TV trong bữa ăn. Hiện tôi cũng áp dụng biện pháp này với các con. Phụ huynh cần hiểu rằng trong mỗi bữa cơm, cha mẹ có vai trò trở thành hình mẫu giúp bé học hỏi thói quen ăn uống lành mạnh.

Xung đột có thể xảy ra khi trẻ không thích ăn rau nhưng mẹ vẫn ép con ăn. Lời khuyên của tôi là phụ huynh đừng gạt bỏ nguyên liệu này trong thực đơn cho bé. Khi thấy cha mẹ thường xuyên ăn một cách ngon lành, các bé sẽ dần tập quen và cũng ăn theo.

Vậy nên thay vì dỗ bé ăn với các thiết bị điện tử, mẹ hãy thể hiện sự vui vẻ khi ăn rau xanh để bé làm theo. Một bữa ăn là dịp vui vẻ và hạnh phúc cũng giúp gia đình khắng khít hơn.

- Như bà đã nói, xung đột vẫn có thể xảy ra và một số trường hợp cá biệt khi thói quen của cha mẹ không thể thuyết phục bé, lúc này chúng ta còn có giải pháp nào khác?

- Kinh nghiệm của tôi với con gái là hãy tìm cách để con tham gia càng nhiều càng tốt trong việc mua, chuẩn bị và nấu các bữa ăn. Nghiên cứu của Trung tâm Nestlé đã phát hiện ra rằng khi được tham gia vào việc nấu các món rau các em sẽ thích ăn hơn. Con gái tôi cũng như thế.

Một mẹo khác là mẹ có thể chia dĩa cơm thành nhiều phần như thịt, cơm và rau (3 loại, 3 màu khác nhau). Tôi thường dùng cách này và ví von bé đang được ăn một bữa cơm cầu vồng. Ngoài ra, tôi và con gái cùng nhau thiết kế, chăm sóc một vài chậu rau nhỏ, giúp bé thích thú hơn với loại thực phẩm này.

Lý tưởng nhất là bé có thể hấp thu các chất dinh dưỡng từ một chế độ ăn uống cân bằng, đa dạng. Tuy nhiên vẫn có nhiều phụ huynh không thể thành công khi thuyết phục con ăn một số thực phẩm nhất định. Để hỗ trợ nhóm trẻ này, Nestlé đã tìm cách bổ sung các vi chất dinh dưỡng mà trẻ thường thiếu và thực phẩm và đồ uống.

- Việc Nestlé bổ sung vi chất dinh dưỡng trong các thực phẩm chế biến sẵn cho kết quả ra sao?

- Nestlé đã cung cấp 174 tỷ khẩu phần thực phẩm và đồ uống được bổ sung các vi chất tại 66 quốc gia có tỷ lệ thiếu vi chất dinh dưỡng cao. Chính sách chung là các thực phẩm này phải cung cấp ít nhất 15% nhu cầu khuyến nghị về vi chất dinh dưỡng mỗi ngày cho người dùng. Điều này giúp cá nhân và gia đình đáp ứng các yêu cầu hàng ngày, giảm nguy cơ thiếu vi chất dinh dưỡng quy mô lớn.

Các trung tâm của chúng tôi liên tục nghiên cứu để giảm lượng muối, đường, chất béo bão hòa trong thực phẩm, đồng thời bổ sung thêm rau, ngũ cốc, chất xơ. Đặc biệt tính địa phương hóa được chú trọng, theo sát đặc điểm dinh dưỡng của từng vùng miền để từ đó đưa ra sản phẩm đáp ứng.

Qua quá trình khảo sát, tôi nhận thấy 2 nhóm dễ tổn thương nhất là trẻ em tuổi đi học và phụ nữ mang thai. Vì vậy các thực phẩm, đồ uống cho 2 nhóm này đều tăng cường vi chất. Dựa trên thói quen ăn uống hiện tại, Nestlé chọn bổ sung vào gia vị, sữa, ngũ cốc - những sản phẩm được tiêu thụ rộng rãi trên toàn cầu và tạo được hiệu quả tốt.

Năm 2016, trong số 207 tỷ khẩu phần ăn được cung cấp, đã có 121 tỷ được bổ sung sắt, 113 tỷ trong đó tăng cường iốt, 27 tỷ khẩu phần có kẽm và 42 tỷ sản phẩm có vitamin A. Tùy theo nhu cầu, một sản phẩm có thể được bổ sung một hoặc nhiều vi chất dinh dưỡng.

Hiện các sản phẩm được tăng cường vi chất dinh dưỡng của Nestlé cũng đều có in logo trên bao bì, giúp người dùng dễ dàng lựa chọn. Ngoài ra khi chọn thực phẩm đóng gói, để biết sản phẩm chứa thành phần gì, cung cấp dưỡng chất như thế nào, hãy đọc nhãn dinh dưỡng - GDA (guideline daily amount) ở mặt sau của gói. GDA cho bạn biết thực phẩm ấy cung cấp bao nhiêu năng lượng, đường, muối, chất béo... và nó đáp ứng bao nhiêu % nhu cầu mỗi ngày. 

Ví dụ, hạt nêm cung cấp 50% nhu cầu khuyến nghị về muối hàng ngày thì bạn có thể cân nhắc chọn các thực phẩm khác, đáp ứng thêm 50% nhu cầu còn lại. Từ đó hình thành thói quen tiêu dùng thông minh và lên thực đơn hợp lý cho gia đình.

Mẹ cũng có thể hướng dẫn bé đọc các nhãn dinh dưỡng này để bé tự lựa chọn thực phẩm phù hợp. Đây là một nội dung trong chương trình giáo dục dinh dưỡng học đường Nestle Healthy Kids. Sau khi được dạy về cách đọc nhãn dinh dưỡng, các bé rất thích thú và thực hành nhanh. Các em còn mang những ví dụ này về nhà để dạy ngược lại cho phụ huynh.

Trên toàn cầu có 89,4% thực phẩm và đồ uống của Nestlé có nhãn GDA trên mặt trước của bao bì.

Lớp học giáo dục dinh dưỡng học đường Nestle Healthy Kids

- Cơ sở nào để Nestlé nghiên cứu, bổ sung vi chất dinh dưỡng vào từng sản phẩm và đưa ra nhãn dinh dưỡng trên bao bì?

- Chúng tôi dựa vào nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị (RDA - Recommended dietary allowance). Đây là mức tiêu thụ năng lượng và các thành phần dinh dưỡng đầy đủ để duy trì sức khỏe, sự sống. Tại Việt Nam, bảng RDA do Bộ Y tế xây dựng, giới thiệu nhu cầu về năng lượng, 3 chất sinh năng lượng (đạm, chất béo, bột đường); chất khoáng; vitamin; nước và các chất điện giải.

Căn cứ vào nhu cầu dinh dưỡng theo tuổi, giới tính, sinh lý, loại hình lao động, mọi người có thể đối chiếu để hiểu được bản thân và gia đình cần bao nhiêu lượng chất trong một ngày. Từ đó xây dựng thói quen lựa chọn thực phẩm phù hợp, đảm bảo dinh dưỡng và sức khỏe tốt.

Ví dụ với một học sinh tiểu học, một bữa ăn 2 chén cơm (2 nắm tay), sữa ít nhất 2 đơn vị sữa (tương đương 200ml), có thể kết hợp ngũ cốc pha với sữa để dùng cho bữa sáng. Một tuần, trẻ ở các tuổi lứa tuổi khác nhau có thể ăn 3-4 quả trứng. Bổ sung nhiều loại trái cây, rau củ vào thực đơn như bông cải, cà rốt, ớt chua, nấm, hạt đậu...