Trong phiên giao dịch chiều 10/12, ông Hoàng Phước, một nhà đầu tư trên sàn giao dịch vàng Sài Gòn thuộc Ngân hàng Á Châu (ACB), đã đánh nhầm giá khi đặt lệnh bán trên mạng online. Giá khớp trên sàn tại thời điểm 16h ở mức 16,365 triệu đồng một lượng và bên mua đang chờ giá là 16,362 triệu đồng.
"Khi đó tôi vào lệnh 10 lượng, thay vì đánh giá bán 16,358 triệu đồng một lượng, tôi đã đánh nhầm là 16,258 triệu đồng. Nhầm số 3 thành số 2, tuy nhiên lệnh đã khớp với giá do ACB đại diện mua là 16,3 triệu đồng một lượng", ông Phước cho biết. Như vậy, ông Phước đã bị lỗ tổng cộng 580.000 đồng so với giá trên sàn lúc đó.
Nhà đầu tư này bức xúc: "Mức giá tôi đưa ra dù nhầm nhưng cũng thấp hơn giá bán đang chờ. Lẽ ra phải được ưu tiên khớp trước với giá đang chờ là 16,362 triệu đồng một lượng chứ không phải khớp với giá ACB đưa ra là 16,3 triệu đồng".
Nhà đầu tư đang tham gia giao dịch tại sàn giao dịch vàng Sài Gòn Chi nhánh Thị Nghè của Ngân hàng Á châu (ACB) . Ảnh: T.A. |
Theo phản ánh của ông Phước, ngay sau đó ông đã gọi điện thoại báo và được nhân viên của sàn ACB trả lời: "Nếu nhà đầu tư đánh lệnh chèn bán ưu tiên thì được ACB mua theo giá của ngân hàng đưa ra và nhà đầu tư phải chịu. Trong trường hợp này ngân hàng có quyền quyết định mua hay bán theo ý của mình, nhà đầu tư không được quyền khiếu nại". Ngoài ra, ông Phước được nhân viên này khuyên nếu đã đặt nhầm lệnh thì hãy làm tờ trình rồi đợi ACB gọi lại để giải quyết và cho trở lại như cũ về 0.
Ông Phước đã làm tờ trình theo hướng dẫn của nhân viên và ngồi chờ. Tuy nhiên, gần 4 tiếng đồng hồ sau vẫn chưa thấy động tĩnh gì từ ngân hàng. Giá trên sàn lúc này đang trên đà tăng cao. Nhà đầu tư nhiều lần gọi cho ngân hàng nhưng máy không có tín hiệu. Ông Phước gọi đến sàn ACB chi nhánh quận 10 nhờ nhân viên đặt lệnh hỏi giúp và được đại diện sàn này cho biết: "Chỉ có thể cho khớp lại đúng giá bán là 16,358 triệu đồng một lượng chứ không thể cho về 0 được".
Lúc này đã gần 20h, trên bảng điện tử, giá vàng đã tăng lên mức 16,73 triệu đồng một lượng. "Nếu như ngân hàng báo sớm để ngay từ đầu tôi cắt lỗ dừng lại thì đã không phải bị mất oan số tiền hơn 4,8 triệu đồng khi buộc bán với giá 16,78 triệu đồng một lượng", ông Phước tiếc nuối.
Một nhà đầu tư khác tại TP HCM từng tham gia mua bán trên sàn vàng ACB cũng cho biết, đã bị lỗ oan số tiền khá lớn khi đặt nhầm giá bán 16,21 triệu đồng một lượng thành 16,12 triệu đồng một lượng. Ông này trong lúc viết phiếu đặt lệnh đã viết nhầm số 21 thành số 12. Trong trường hợp này ACB cũng đã không điều chỉnh kịp thời theo yêu cầu của khách hàng và đã để cho nhà đầu tư thua lỗ oan.
Một nhà đầu tư tên Hiếu (ngụ Lê Thị Hồng Gấm, quận 1) tham gia giao dịch sàn ACB mới đây đã bị lỗ cả trăm triệu đồng chỉ vì đánh nhầm giá bán. Thay vì nhập mức giá bán 16,64 triệu đồng một lượng, ông này đã đánh nhầm thành 16,46 triệu đồng. "Cũng đành phải chấp nhận chứ biết làm sao được", ông Hiếu ngậm ngùi xót của.
Vì thế khi xảy ra sự cố sàn ACB bán nhầm vàng với giá 17.000 đồng một lượng, sau đó, với vị thế là "nhà cái", ACB đã tự động đột nhập vào tài khoản của khách hàng bán vàng của họ để "chữa cháy" đã làm nhiều nhà đầu tư hết sức bức xúc. "Khi khách hàng nhầm lẫn, mặc dù đã gọi điện, làm tờ trình nhờ điều chỉnh thì ngân hàng gần như bỏ mặc họ. Còn nhân viên nhập giá sai thì ngân hàng lại tự cho mình quyền xử lý tài khoản của khách hàng. Như vậy là quá vô lý", một nhà đầu tư kết luận.
Một chuyên gia kinh doanh vàng TP HCM cho rằng: "Để đảm bảo tính sòng phẳng, bên gây ra sai sót phải có trách nhiệm. Không thể có chuyện chủ sàn làm sai thì có quyền tự động xử lý tài khoản của khách hàng, còn nhà đầu tư sai thì do "bé cổ thấp miệng" phải chịu thiệt". Ông này còn dẫn chứng trường hợp nhà đầu tư chứng khoán Nhật Bản do đánh nhầm giá cổ phiếu 50 USD với 50 cent đã phải chịu thua lỗ một số tiền khổng lồ mà không có cách nào cứu vãn được.
"Để hạn chế những nhầm lẫn gây ra hậu quả nghiêm trọng, các sàn vàng cần thiết phải trang bị chương trình phần mềm có khả năng "chặn đầu, chặn đuôi" tức là có khả năng khống chế sai sót giá trong biên độ nhất định. Nếu giá cao hơn hoặc thấp hơn mức này, lệnh đặt sẽ không thể khớp được. Như vậy sẽ phần nào giảm bớt những rủi ro", vị chuyên gia này khuyến cáo.
Theo bà Nguyễn Ngọc Quế Chi, Giám đốc Trung tâm giao dịch vàng Thần Tài Sacombank (trực thuộc Công ty vàng bạc đá quý Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín), để hạn chế hậu quả từ việc khách hàng đánh nhầm giá, sàn vàng này đã trang bị hệ thống kiểm soát sai lệch giá ở biên độ 1%. Đồng thời, những lệnh đặt trực tiếp qua phiếu của nhà đầu tư cũng được đưa vào hệ thống tự động để kiểm tra. Theo đó, những lệnh mua bán khách hàng đưa ra có mức giá phù hợp với hệ thống thì mới có thể khớp lệnh. Đây cũng là cách thức hữu hiệu để chủ sàn kiểm soát số tiền ký quỹ, những khoản nợ quá hạn của khách hàng, quyết định thời điểm thích hợp để xử lý tài khoản khách hàng.
Hiện nay, ngoài sàn giao dịch vàng Sài Gòn của Ngân hàng Á Châu (ACB), hàng loạt sàn vàng mới được thành lập và đưa vào hoạt động như Ngân hàng Phương Nam, SJC - Eximbank, VietABank... Tại đây, khách hàng ngoài phương thức giao dịch truyền thống là viết phiếu đặt lệnh có thể sử dụng những dịch vụ tiện ích là đặt lệnh mua bán qua điện thoại, Internet.
Không ít nhà đầu tư lo ngại khi thực hiện giao dịch qua mạng online, gọi điện thoại vì lo sợ thông tin có thể không chính xác. Vì vậy phần lớn vẫn chuộng phương thức giao dịch trực tiếp đến sàn viết phiếu đặt lệnh. Vấn đề đặt ra là nếu có trường hợp nhầm lẫn về giá cả hay số lượng khớp lệnh xảy ra thì các sàn giao dịch vàng có giải pháp gì để hỗ trợ, ngăn chặn, hạn chế sai sót tránh thiệt hại cho cả hai bên là chủ sàn vàng và nhà đầu tư.
Đối với những bức xúc của nhà đầu tư về việc ACB tự ý vào tài khoản của khách để bán vàng khi nhân viên sàn nhập sai giá từ 17 triệu đồng thành 17 nghìn đồng, đại diện Ngân hàng Á Châu luôn khẳng định họ làm đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư không đồng ý vì cho rằng, luật pháp vẫn chưa quy định về trường hợp này, ngoại trừ ACB đã tự định ra quy chế tự ý trừ tài khoản của khách trên sàn vàng của mình.
Tần Vy