Chiều 23/10, sau ba ngày thị trường ngoại tệ lên cơn sốt, cả Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank) đồng loạt lên tiếng về diễn biến tỷ giá. Vietcombank đang chiếm 25% thị phần thanh toán quốc tế. BIDV cũng có thị phần đáng kể trong giao dịch ngoại tệ.
Theo 2 “ông lớn”, tỷ giá bất ngờ tăng thêm 250 đồng, mức tăng mạnh nhất trong gần 3 tháng qua, do sự mất cân đối cung cầu một cách cục bộ, đặc biệt sau khi Ngân hàng Nhà nước công bố gói chính sách tiền tệ mới. Về bản chất, cắt giảm lãi suất cơ bản, tái chiết khấu, tái cấp vốn và tăng lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc là động thái nới lỏng dần chính sách tiền tệ. Đồng nội tệ vì thế mà mất giá tương đối so với đôla Mỹ. Quyết định giải chấp (thanh toán) trước hạn 20.300 tỷ đồng tín phiếu bắt buộc tạo kỳ vọng tăng cung tiền trong lưu thông, càng làm giảm sức hấp dẫn của tiền đồng.
Thị trường ngoại tệ đã trải qua nhiều cơn sốt từ đầu năm đến nay. Ảnh: H.N. |
Cùng lúc đó, đồng đôla Mỹ tăng giá mạnh trên thị trường quốc tế khiến sức ép lên VND lớn hơn. Tâm lý mua gom, tích trữ chờ giá lên đã khiến cầu tăng sau thời gian dài thị trường luôn trong trạng thái dư thừa ngoại tệ.
Tuy nhiên, tác nhân ảnh hưởng mạnh nhất tới thị trường ngoại tệ ba ngày qua, theo phân tích của lãnh đạo Vietcombank và BIDV, đến từ khối đầu tư gián tiếp nước ngoài. Trong suốt tháng 9, khối ngoại đã bán ra gần 750 triệu USD chứng khoán để cơ cấu danh mục đầu tư và thu hồi vốn về tập đoàn mẹ ở chính quốc đang lao đao vì cuộc khủng hoảng tài chính. Từ đầu tháng 10, thông qua các ngân hàng nước ngoài, khối này tăng cường mua đôla để chuyển vốn về nước. Theo thống kê của BIDV, lượng mua ngoại tệ của khối này trong những ngày qua vào khoảng hơn 200 triệu USD.
Động thái của khối ngoại đã ảnh hưởng mạnh tới các doanh nghiệp trong nước. Một số nhà nhập khẩu đã mua gom USD đón đầu, chuẩn bị thanh toán cho đối tác nước ngoài cuối năm, thời điểm mà thị trường liên ngân hàng thường biến động mạnh hơn thường lệ.
Doanh số mua bán ngoại tệ của Vietcombank ba ngày qua gấp đôi, gấp ba thường lệ. Khi thị trường bình ổn, doanh số hai chiều chỉ vào khoảng 100 triệu USD mỗi ngày. Nhưng ngày 20/10, khi Ngân hàng Nhà nước công bố gói giải pháp mới, lượng mua bán lên đến 131 triệu USD. Con số của ngày 21 và 22 lần lượt là 249 và 321 triệu USD. Riêng ngày 22/10, ngân hàng mua vào 160 triệu USD, trong khi bán ra lên đến 161,6 triệu USD. Tỷ lệ dành cho khối ngoại vào khoảng 70% doanh số bán ra của Vietcombank trong ba ngày qua.
Tình hình tương tự cũng diễn ra tại BIDV. Trong cả tháng 9, lượng ngoại tệ BIDV bán trên thị trường liên ngân hàng chỉ vào khoảng 95 triệu USD. Nhưng con số của hai ngày 22 và 23/10 lên tới 70 triệu USD, riêng ngày 23 là 50 triệu USD.
“Khi khối ngoại đã mua thường mua với số lượng lớn. Vì thế, cầu ngoại tệ mấy ngày qua tăng đột biến, trong khi nguồn cung ổn định, dẫn đến sự thiếu hụt nguồn cung một cách cục bộ. Nguồn đôla từ Ngân hàng Trung ương vẫn rất dồi dào nhưng không kịp bơm ra thị trường. Các ngân hàng vì thế đã tăng mạnh tỷ giá mua bán”, Tổng giám đốc Vietcombank Nguyễn Phước Thanh xác nhận.
Tỷ giá USD/VND đang từ mức 16.620 được các ngân hàng tăng thêm 1% vào ngày 21/10, đến 22/10 gần đạt trần theo biên độ cho phép (tăng 2% so với tỷ giá liên ngân hàng) và tiếp tục duy trì mức tăng trong ngày 23/10. Thị trường tự do cũng tăng nhiệt theo động thái của các ngân hàng thương mại, đẩy tỷ giá lên sát ngưỡng 17.000 đồng.
Chủ tịch Hội đồng quản trị BIDV Trần Bắc Hà dự báo thị trường sẽ hết sốt trong một vài ngày tới. Còn Tổng giám đốc Vietcombank Nguyễn Phước Thanh tiên liệu tuần sau tỷ giá sẽ ổn định. Theo phân tích của hai vị lãnh đạo này, nguồn cung ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước cũng như các ngân hàng thương mại đang rất dồi dào. Dự trữ ngoại hối quốc gia tính đến cuối tháng 9 là hơn 22 tỷ USD, sau hơn hai tháng Ngân hàng Nhà nước rất tích cực mua vào. Các ngân hàng cũng đang sẵn trong tay hàng tỷ đôla vừa rút từ nước ngoài về (nhằm bảo toàn tài sản trước cơn khủng hoảng tài chính thế giới).
Trong ba ngày qua, nhu cầu tăng mạnh, song cả BIDV và Vietcombank đều tích cực bán ra theo yêu cầu của khách hàng. Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng bán cho các ngân hàng để đáp ứng nhu cầu của khách. Song trên thực tế, chưa ngân hàng nào rơi vào trạng thái ngoại tệ âm, nên chưa cần sự hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước.
Liên quan tới khối ngoại, họ còn hơn 500 triệu USD tiền bán chứng khoán chưa đổi ra ngoại tệ. Nếu họ muốn chuyển hết số này về nước, theo ông Trần Bắc Hà, thị trường không bị xáo trộn bởi các ngân hàng Việt Nam hoàn toàn đủ khả năng đáp ứng.
Tổng giám đốc Vietcombank cũng tỏ ra tự tin ngay cả khi tính tới trường hợp xấu nhất, toàn bộ 3-4 tỷ USD vốn đầu tư gián tiếp rút khỏi thị trường do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới. “Lượng ngoại tệ trong tay Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại đủ đáp ứng nhu cầu của khối ngoại. Thực ra, chỉ cần không tới 1 tỷ USD là có thể bình ổn thị trường ngoại tệ”, ông Thanh nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo ông Thanh, tỷ giá sẽ ổn định ở mặt bằng cao như hiện nay, chứ khó có khả năng trở về mức cũ. Ngoài yếu tố cung cầu, đồng đôla đang tăng giá trên thị trường thế giới, diễn biến tỷ giá sẽ đi theo hướng nhích lên để hỗ trợ xuất khẩu. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, giảm nhập khẩu và kích thích xuất khẩu là giải pháp thường được tính tới. Ông Trần Bắc Hà cho biết thêm chính BIDV trước đây đã đề xuất kích tỷ giá lên để hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu.
Sau đợt sốt tháng 6-7, tỷ giá dần ổn định và thị trường chuyển sang trạng thái dư đôla. Tâm lý chung của ngân hàng cho tới doanh nghiệp và cả dân chúng đều ngại tích trữ đôla, đặc biệt sau khi tỷ giá rơi tự do từ ngưỡng trên 19.000 xuống dưới 17.000. Hơn nữa, lãi suất tiền đồng tăng cao, các đơn vị chỉ mua đôla khi có nhu cầu cấp bách. Tỷ giá xuống thấp, có lúc dưới 16.600 đồng ăn một đôla. Các doanh nghiệp xuất khẩu đang phải vay tiền đồng với lãi suất cao để sản xuất hàng hóa, bán cho đối tác rồi thu ngoại tệ về lại chịu thiệt thòi. Để hỗ trợ tỷ giá đi lên, Ngân hàng Nhà nước đã tích cực mua đôla suốt từ cuối tháng 7.
Dự báo tỷ giá sẽ ổn định ở mức cao hơn song Tổng giám đốc Vietcombank Nguyễn Phước Thanh cho rằng từ nay đến cuối năm thị trường khó phá mốc 17.000 đồng. Chủ tịch BIDV Trần Bắc Hà chia sẻ quan điểm này, bởi nguồn cung ngoại tệ dự báo sẽ tiếp tục dồi dào từ nay đến cuối năm.
“Mua gom đôla để lướt sóng ngắn hạn có thể thiệt hại”, ông Hà nhấn mạnh.
Tại phố ngoại tệ và vàng bạc Hà Trung (Hà Nội) chiều 23/10 vẫn tấp nập khách ra vào. Song tỷ giá vẫn xoay quanh mốc 16.800-16.900. Các đại lý thu đổi ngoại tệ cũng hạn chế bán công khai. Trong đám đông khách đến cửa hàng, có cả những người tìm mua vàng nhân lúc giá chạm đáy.
Song Linh