Bảng giá bất động sản của Vinaland cập nhật ngày 19/7 có 33 dự án tăng giá. Trong đó, dự án Him Lam - Kênh Tẻ tăng cao nhất 36%, Thái Sơn 1 tăng hơn 22%, Thạnh Mỹ Lợi tăng 18%, Phú Mỹ tăng 15%...
Hai tuần liền từ ngày 21-26/7, bảng tham khảo của sàn địa ốc Sài Gòn thương tín TP HCM (Sacomreal) có nhiều dự án bất động sản liên tục có dấu hiệu chững lại, số sản phẩm bắt đầu tăng giá rất ít. Cụ thể, các dự án được giao dịch rầm rộ nhất thời kỳ thị trường nhà đất "sốt" và giảm giá nhiều nhất như Sài Gòn Pearl (Bình Thạnh), Thái Sơn 1,2 (Nhà Bè), An Phú - An Khánh, Thạnh Mỹ Lợi, The Vista, Estella (quận 2)... trong tuần lễ từ 21-26/7 đều giữ nguyên giá cũ.
Dự án giảm 50-60% trong đợt thoái trào vừa qua đột ngột vượt rào tăng giá trở lại. Đó là dự án Him Lam - Kênh Tẻ (quận 7) đã tăng từ 24-35 triệu đồng mỗi m2 lên mức 25-40 triệu đồng chỉ trong một tuần. Riêng dự án Phú Mỹ-Vạn Phát Hưng, quận 7, tuần trước vị trí thấp nhất có giá 16 triệu đồng mỗi m2, tuần sau đó đã nhích lên 18 triệu đồng mỗi m2.
Nhiều dự án trong giai đoạn hoàn thiện. Ảnh: Bảo Quân. |
Khu Mỹ Phước 3, Bến Cát, Bình Dương cũng có chỉ số bất động sản không ăn khớp giữa doanh nghiệp và đơn vị khảo sát. Thống kê từ phòng giao dịch của Công ty Đất Xanh, trung bình một tuần doanh nghiệp có 5-7 giao dịch thành công, giá vẫn chưa có dấu hiệu tăng trở lại sau đợt sụt giảm 40-50%.
Cũng theo doanh nghiệp này, đất nền Mỹ Phước dao động trong khoảng 200-500 triệu đồng loại 100-300 m2. Song, tài liệu tham khảo của Sacomreal trong tuần 21-26/7 giá đất nền 300 m2 dự án Mỹ Phước 3 tại Bến Cát đã lên đến 700-900 triệu đồng.
Trước hiện tượng giá đất một vài nơi đảo chiều tăng 30% và bắt đầu "ấm" trở lại, nhiều chuyên gia nghi ngờ tính xác thực của luồng thông tin này vì nguồn tiền đổ vào bất động sản đang "kẹt cứng".
Chủ tịch hiệp hội bất động sản TP HCM, ông Lê Hoàng Châu thừa nhận, thị trường địa ốc sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn phía trước. Từ nay đến cuối năm là giai đoạn thử thách lớn đối với các doanh nghiệp đang đáo hạn điều chỉnh lãi suất ngân hàng. Do đó, mọi nhận định lạc quan vẫn còn quá sớm.
Tổng giám đốc Công ty Bất động sản An Bình Land, ông Võ Đình Quốc cho biết: "Lúc này không nên vội vàng rêu rao thị trường đã "ấm" dần lên, nhất là khi sản phẩm dự án có tỷ lệ giao dịch thành công rất thấp, thậm chí nhiều nơi không mua bán được 3-4 tuần liền".
Khách hàng chọn lọc thông tin bất động sản tại sàn. Ảnh: Hồng Phúc. |
Chuyên gia này phân tích, giá nhà đất xác định tại một thời điểm là kết quả của giao dịch thành công, không phải các con số ảo đang rao khống vô tội vạ. Bởi lẽ, những chiêu thổi giá, kích giá và tin đồn thường ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý người mua và người bán. Vì thế, giá chào mời, rao bán có thể thay đổi đột ngột nhưng không bền vững, thiếu cơ sở để gọi là giá thành.
Theo ông Quốc, giao dịch trong thời điểm hiện nay còn ít, chưa đủ cơ sở để kiểm chứng "sức khỏe" của thị trường. Thậm chí ông còn cho rằng, nhà đất đột ngột tăng giá trong thời điểm này là thiếu thuyết phục, nhiều khả năng do tâm lý nhà đầu tư sốt ruột đẩy hàng ra bằng mọi giá. Với những chiêu kích cầu ảo này, theo ông, sản phẩm ít nhiều đã bị "làm giá".
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam vẫn tin tưởng dù thị trường bất động sản đang ở giai đoạn thoái trào ngắn nhưng vẫn đầy tiềm năng, chắc chắn sẽ sớm hồi phục với độ minh bạch cao hơn.
Cơ sở để tin vào điều này, theo ông Nam, là mối liên hệ mật thiết giữa thu nhập bình quân đầu người (GDP) với nhu cầu thật về nhà ở của cư dân đô thị. Theo đó, khi GDP đạt cột mốc 1.000 USD thì biểu đồ nhu cầu bất động sản mới bắt đầu đi ngang và bão hòa dần. "GDP của dân TP HCM và Hà Nội khoảng 800 USD, nhiều tập đoàn bất động sản, các nhà đầu tư nước ngoài nhìn thấy tiềm năng này nên đang tìm cách tiếp cận. Do đó, không nên quá bi quan khi nhận định thị trường", ông nói.
Thanh Lê