Ảnh: Corbis.com. |
Đây là bệnh viện chuyên điều trị bệnh nhân mắc bệnh HIV.
Dự án sẽ được khởi động từ đầu tháng 6 và dự kiến hoàn tất trong vòng 12 tháng.
Theo đó, nước bẩn sinh hoạt và y tế sẽ được bơm vào ô đất trồng lau sậy cho thấm qua rễ, tiếp tục thấm qua các lớp vật liệu lọc, rồi chảy xuống những ống thoát nằm phía dưới và thải ra tự nhiên.
Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM Lê Trường Giang cho biết, dự án được UBND TP HCM phê duyệt từ cuối năm trước nhằm mục đích giải quyết bài toán xử lý nước thải tại các bệnh viện, trung tâm chuyên điều trị cho bệnh nhân mắc bệnh có thể lây nhiễm qua đường máu, đặc biệt là bệnh nhân HIV.
Trước mắt, trong giai đoạn 1, dự án tập trung xử lý chất thải cho khu chữa bệnh có quy mô 150 giường của Bệnh viện Nhân Ái. Nếu thử nghiệm thành công, ở giai đoạn 2, dự án sẽ tiếp tục áp dụng cho tất cả hơn 800 giường bệnh của bệnh viện này và một số bệnh viện khác.
Hiện tại Bệnh viện Nhân Ái phải điều trị cho khoảng 200 bệnh nhân mỗi ngày với lượng nước thải ra tương đương với 100 m3 một ngày. Nước thải hiện được xử lý bằng một nhà máy có công suất nhỏ.
Cũng theo ông Giang, nếu thành công, dự án thí điểm xử lý nước thải bằng lau sậy sẽ mang lại hiệu quả kinh tế hơn nhiều lần so với việc xử lý và vận hành bằng hóa chất.
Đại diện Sở Khoa học công nghệ TP HCM cho biết, lau sậy là loài cây có thể sống trong những điều kiện thời tiết khắc nghiệt và rất phù hợp với khí hậu Việt Nam. Hệ sinh vật quanh rễ loại cây này có thể phân hủy chất hữu cơ và hấp thụ kim loại nặng trong nước thải y tế. Tuy nhiên do nước ta chưa thí điểm thực tiễn tại bệnh viện nên công trình vẫn chỉ được xem như một dự án thử nghiệm.
Phương pháp dùng lau sậy xử lý nước thải được một giáo sư người Đức phát hiện từ những năm 60 của thế kỷ trước. Nghiên cứu cho thấy, cây cối có khả năng phân hủy các chất hữu cơ do tác dụng đồng thời giữa rễ, cây và các vi sinh vật tập trung quanh rễ. Trong đó, loại cây có nhiều ưu điểm nhất là lau sậy.
Phương Nghi