"Nhóm của tôi đã xử lý thi thể và liên lạc với các gia đình" ở vùng Sagaing, miền trung Myanmar, nhân viên cứu hộ Myo Min Tun cho hay. Các bác sĩ ở Sagaing cũng xác nhận các trường hợp tử vong, song không nói rõ liệu lực lượng an ninh sử dụng đạn thật hay đạn cao su.
Tại Mandalay, thành phố lớn thứ hai đất nước và cách Sagaing khoảng hai giờ lái xe, một bác sĩ xác nhận hai người biểu tình bị lực lượng an ninh bắn chết.
"Myo Naing Lin bị bắn vào ngực, Ma Kyay Sin bị bắn vào đầu", bác sĩ cho hay.
Biểu tình phản đối đảo chính tiếp tục diễn ra ở nhiều thành phố, khu vực của Myanmar trong hôm nay. Cuộc biểu tình ở trung tâm thành phố Myingyan trở nên bạo lực khi lực lượng an ninh đối đầu người biểu tình đội mũ bảo hộ lao động, cúi mình sau những tấm khiên tự chế màu đỏ được trang trí hình ba ngón tay giơ chào, biểu tượng thường thấy trong các cuộc biểu tình.
"Họ bắn hơi cay, đạn cao su và đạn thật", một nhân viên y tế có mặt tại hiện trường nói, thêm rằng ít nhất 10 người bị thương.
Tại Yangon, thành phố lớn nhất Myanmar, người biểu tình sử dụng lốp xe và hàng rào thép gai để chặn các con đường chính, cản cảnh sát. Tại đường Pansodan ở trung tâm thành phố, người biểu tình dán hình gương mặt thống tướng Min Aung Hlaing xuống đất, một chiến thuật nhằm làm chậm lực lượng an ninh vì họ không dám giẫm lên chân dung.
Tại thị trấn San Chaung, nơi xảy ra đụng độ dữ dội trong những ngày gần đây, các đám mây hơi cay và bình cứu hỏa tràn ngập đường phố khi cảnh sát chống bạo động đối đầu với người biểu tình.
Bạo lực biểu tình mới nhất xảy ra sau khi ngoại trưởng Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), gồm đại diện quân đội Myanmar Wunna Maung Lwin, thảo luận về cuộc khủng hoảng tại cuộc họp trực tuyến. Sau cuộc họp, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi bày tỏ sự thất vọng vì quân đội Myanmar thiếu hợp tác. Singapore, nhà đầu tư lớn nhất của Myanmar, lên án việc chính quyền sử dụng vũ lực gây chết người.
Myanmar rơi vào hỗn loạn sau cuộc đảo chính quân sự hôm 1/2. Hàng trăm nghìn người đã xuống đường biểu tình phản đối đảo chính trong một tháng qua, với đỉnh điểm là "ngày đẫm máu" 28/2 khi lực lượng an ninh bắn đạn thật vào người biểu tình ở nhiều thành phố. Liên Hợp Quốc cho biết 18 người chết và 30 người bị thương trong "ngày đẫm máu".
Theo nhóm giám sát của Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị (AAPP), hơn 1.200 người đã bị bắt kể từ cuộc đảo chính, với khoảng 900 người vẫn bị giam hoặc đối mặt truy tố. Tuy nhiên, con số thực có thể cao hơn nhiều. Truyền thông Myanmar đưa tin rằng chỉ riêng ngày 28/2, hơn 1.300 người đã bị bắt. 34 nhà báo nằm trong số những người bị giam, trong đó 15 người đã được thả.
Huyền Lê (Theo AFP)