Thứ sáu, 29/3/2024
Thứ hai, 29/7/2013, 05:01 (GMT+7)

Thành bại của các HLV Nam Mỹ ở châu Âu

Tân HLV Barca Gerardo 'Tata' Martino có thể được lưu danh sử sách nếu thành công như Simeone, Bielsa, hoặc bị lãng quên như số đông đồng nghiệp Nam Mỹ hành nghề ở châu Âu trong khoảng 20 năm qua.

Diego Simeone

 

Với ba danh hiệu, gồm Cup Nhà Vua 2013, Europa League 2012, Siêu Cup châu Âu 2012, cùng suất dự Champions League mùa tới nhờ xếp thứ ba ở La Liga mùa vừa qua, HLV 43 tuổi người Argentina là hình mẫu gần nhất về một nhà cầm quân Nam Mỹ thành danh trong môi trường bóng đá khắc nghiệt tại châu Âu. Thành công của Atletico Madrid hai năm qua có dấu ấn rất lớn của Simeone.

Marcelo Bielsa

 

Không có danh hiệu nào, nhưng Bielsea, một người Argentina khác, cũng có thể được xem là thành công khi sang làm việc tại châu Âu. Trong hai mùa giải dẫn dắt Bilbao (2011-2013), ông đưa đội bóng xứ Basque có nguồn lực khiêm tốn này vào hai trận chung kết Europa League 2012 (thua chính Atletico Madrid của đồng hương Simeone) và Cup Nhà Vua cùng năm (thua Barca).

Manuel Pellegrini

 

HLV người Chile thành danh khi đưa Villarreal lên top đầu La Liga giai đoạn 2004-2009, một lần vào bán kết Champions League (2006). Ông cũng là kiến trúc sư trưởng trong thành công của Malaga, hiện tượng tại La Liga và Champions League hai mùa giải gần nhất, trước khi sang Man City hè này. Nhưng trong mùa giải duy nhất dẫn dắt Real Madrid, ông lại bị sa thải vì đội bóng đầy sao dưới trướng chỉ về nhì ở La Liga.

Luiz Felipe Scolari

 

Scolari từng vô địch World Cup cùng tuyển Brazil và ít nhiều thành công khi dẫn dắt Bồ Đào Nha - đội bóng được xem như một “Brazil của châu Âu”. Nhưng ngay trong lần thử sức đầu tiên với một CLB lớn ở cựu lục địa, nhà cầm quân người Brazil này đã lĩnh trái đắng. Ông bị Chelsea sa thải chỉ sau nửa mùa giải.

 

Sau thất bại đó, Scolari sang Bunyodkor (Uzbekistan) và được trả lương cao nhất thế giới mùa bóng 2009-2010 (13 triệu euro cho một năm làm việc), nhưng ông cũng chẳng trụ lại được lâu. Sau chín tháng, HLV kỳ cựu này và Bunyodkor chia tay trên cơ sở đồng thuận sau khi Scolari không thể giúp đội vượt qua vòng 16 đội Champions League châu Á.

Vanderlei Luxemburgo

 

Luxemburgo là một trong những HLV kỳ cựu, tài năng bậc nhất Nam Mỹ, nhưng giống Tata Martino ở Barca hiện tại, khi ông ngồi vào ghế nóng ở Real Madrid giữa mùa 2004-2005, kinh nghiệm làm việc của Luxemburgo trong làng bóng đá châu Âu chỉ là con số không tròn trĩnh.

 

Thực tế đó cộng thêm áp lực quá lớn ở một đội bóng khổng lồ cũng sự khác biệt về văn hóa giao tiếp, làm việc khiến HLV người Brazil này chỉ trụ lại Real được gần một năm. Khi Luxemburgo bị sa thải đầu tháng 12/2005, Real rối tinh rối mù với một loạt vấn đề cả về phong độ, chiến thuật lẫn đoàn kết nội bộ.

Hector Cuper

 

HLV người Argentina này (áo đen, trái) gặt hái thành công nhất định và được ví như một Helenio Herrera mới nhờ thứ đặc sản phòng ngự phản công giúp Valencia hai năm liền vào chung kết Champions League (2000, 2001). Nhưng kể từ khi sang Inter, sự nghiệp của Cuper xuống dốc không phanh. Ông cùng Inter để mất scuddeto vào ngày cuối cùng mùa giải 2001-2002 và bị sa thải một năm sau đó.

 

Cuper sau đó lần lượt thử sức với Mallorca, Betis, Parma, tuyển Gruzia, Aris, Racing Santander, Orduspor, nhưng hoặc đều bị sa thải, hoặc phải từ chức giữa chừng vì không đạt kết quả như ý.

Oscar Tabarez

 

Tabarez được phong thánh khi đưa tuyển Uruguay vào bán kết World Cup 2010 rồi vô địch Copa America 2011. Nhưng ít ai biết rằng trước đó, HLV người Uruguay này đã trải qua những năm tháng lận đận khi hành nghề ở châu Âu.

 

Sau một mùa giải tạm được cùng Cagliari - xếp thứ chín ở Serie A 1994-1995, Tabarez được Milan trải thảm đỏ mời về trong hè 1996, thay thế Fabio Capello. Nhưng thời gian của ông ở Milan chỉ được tính bằng đơn vị tháng, Tabarez bị sa thải chỉ sau vài kết quả tệ hại, trong đó có hai thất bại dưới tay Fiorentina trong trận tranh Siêu Cup Italy và dưới tay Piacenza ở Serie A.

 

Tabarez sau đó sang Tây Ban Nha thử sức với Real Oviedo nhưng ra đi chỉ sau một năm do để đội bóng suýt xuống hạng Segunda Liga (chỉ trụ lại nhờ thắng trận play-off). HLV người Uruguay này trở lại Italy để dẫn dắt CLB cũ Cagliari nhưng nhanh chóng bị sa thải vì mạch bốn trận không thắng - một hòa, ba thua.

Carlos Bianchi

 

Với bốn lần vô địch Copa Libertadores - sân chơi số một Nam Mỹ cấp CLB, tài năng của chiến lược gia người Argentina là điều mà không ai có thể phủ nhận. Nhưng khi sang châu Âu thử sức với nghiệp cầm quân, Bianchi cũng chỉ chuốc lấy những chén đắng.

 

Ông bị Atletico Madrid sa thải năm 2006, sau chưa đầy một năm làm việc. Trước đó, Bianchi cũng có gần một năm dẫn dắt Roma nhưng bị sa thải vào tháng 4/1997 khi đội bóng rớt xuống nửa dưới bảng xếp hạng Serie A.

Francisco Maturana

 

Là cầu thủ rồi HLV tài danh bậc nhất Colombia và Nam Mỹ, nhưng Maturana cũng thất bại khi sang hành nghề ở châu Âu. Cùng Real Valladolid, ông về thứ chín ở La Liga mùa 1990-1991. Khi trở lại để nắm Atletico Madrid sau đó ba năm, Maturana chỉ trụ được bốn tháng rồi bị sa thải.

Phương Minh