Thứ năm, 25/4/2024
Thứ bảy, 26/5/2018, 04:00 (GMT+7)

Những danh thủ từng chơi bóng ở J-League trước Iniesta

Giải VĐQG Nhật Bản không thiếu những ngôi sao bóng đá thế giới thi đấu, kể từ những năm 90 của thế kỷ trước.

Hôm 24/5, Iniesta (trái) chính thức cập bến Vissel Kobe và nhận lương 30 triệu đôla mỗi mùa. Nhưng đây không phải lần đầu J-League chào đón ngôi sao tầm thế giới.

Zico (Kashima Antlers, 1991-1994). Một trong những danh thủ đầu tiên ở J-League. Ông bay nửa vòng trái đất đến Nhật Bản khi sự nghiệp đỉnh cao đã dần tắt lụi. Dù vậy, ngôi sao người Brazil vẫn để lại ảnh hưởng không nhỏ ở Kashima, với 35 bàn thắng chỉ qua 45 trận tại J-League. Sau khi giải nghệ, ông trở lại Nhật Bản giai đoạn 2002-2006 để dẫn dắt "Samurai" dự hai VCK World Cup.

Carlos Dunga (Jubilo Iwata, 1995-1998). Thủ quân của Brazil vô địch World Cup 1994. Chỉ một năm sau, Dunga trở thành sao sáng ở J-League. Trong bốn mùa giải ở Iwata, Dunga để lại dấu ấn với chức vô địch J-League 1997. Ở hai mùa cuối, anh cũng lọt vào Đội hình tiêu biểu của giải.

Diego Forlan (Cerezo Osaka, 2014-2015). Forlan đến vùng Kansai với nhiều vinh quang trong tay, trong đó có chức vô địch Ngoại hạng Anh cùng Man Utd. Sát thủ từng hai lần đoạt Pichichi (Vua phá lưới La Liga) phải xuống hạng cùng Cerezo ngay mùa đầu tiên. Anh đang đầu quân cho Kitchee SC ở Hong Kong.

Michael Laudrup (Vissel Kobe, 1996-1997). Từng khoác áo Juventus, Barcelona và Real Madrid, Laudrup sở hữu CV đáng mơ ước với tất cả. Kobe - khi đó đang chơi ở J-League 2 - như được tiếp thêm động lực và ngay lập tức thăng hạng.

Leonardo (Kashima Antlers, 1994-1996). Không thực sự thành công trong màu áo CLB, Leonardo nổi tiếng khi là nòng cốt của Brazil vô địch World Cup 1994. Nhật Bản không phải miền đất để cầu thủ khẳng định danh tiếng, nhưng 30 bàn thắng chỉ qua 49 trận giúp Leonardo được đầu quân cho PSG và AC Milan sau đó.

Gary Lineker (Nagoya Grampus, 1992-1994). Cùng với Zico, Lineker thường xuất hiện trong truyện tranh Nhật Bản. Ngôi sao tuyển Anh cập bến Nagoya ở tuổi 31, nhưng chấn thương dai dẳng khiến anh không ra sân thường xuyên.

Fredrik Ljungberg (Shimizu S-Pulse, 2011-2012). Ngôi sao một thời của Arsenal đến xứ "Mặt trời mọc" sau khi "dưỡng già" ở Seattle Sounders, Chicago Fire và Celtic. Trong hai mùa ở Shimizu, cầu thủ hai lần vô địch Ngoại hạng Anh không có dấu ấn.

Dragan Stojkovic (Nagoya Grampus, 1994-2001). Một trong những ngôi sao thành công nhất ở J-League. Thủ quân Liên bang Nam Tư từng lọt vào Đội hình tiêu biểu World Cup 1990, và đến Nagoya khi ở đỉnh phong độ. Stojkovic ba lần lọt vào Đội hình tiêu biểu J-League. Ông chuyển sang huấn luyện Nagoya từ 2008 đến 2013.

Hristo Stoichkov (Kashiwa Reysol, 1998-1999). Huyền thoại Bulgaria từng năm lần vô địch La Liga cùng Barcelona, cộng thêm một Cup C1. Nhưng bản năng săn bàn của Quả Bóng Vàng 1994 bị mai một ít nhiều ở Nhật Bản, với 12 bàn thắng qua 27 trận.

Lukas Podolski (Vissel Kobe, 2017-nay). Podolski đã ghi tám bàn qua 26 trận khoác áo Kobe. Cựu tuyển thủ Đức cũng viết trên Twitter, chào đón Iniesta tại CLB vùng Kansai. "Mong sớm gặp anh", Podolski ghi.

Ảnh: J-League