Thứ sáu, 19/4/2024
Thứ ba, 22/9/2015, 06:23 (GMT+7)

Những bất ngờ lớn nhất của lịch sử thể thao

Nhật Bản mới giành thắng lợi khó tin nhất lịch sử bóng bầu dục. Trước đó thế giới thể thao từng chứng kiến một số kết quả và sự kiện khác gây sốc không kém.

Đội tuyển Nhật Bản (áo đỏ trắng) khiến thế giới bóng bầu dục kinh ngạc khi đánh bại Nam Phi, đội từng hai lần vô địch thế giới, với tỷ số 34-32 trong trận ra quân vòng bảng  Rugby World Cup 2015, cuối tuần qua tại Anh. Ngay cả HLV trưởng Nhật Bản, Eddie Jones, cũng coi đó là một kết quả kỳ lạ và bất ngờ với màn trình diễn ấn tượng của các học trò. Những tên tuổi lớn của làng rugby thế giới và truyền thông quốc tế dành nhiều lời ngợi khen cho đấu pháp thông minh và lối chơi can đảm của đội bóng xứ hoa anh đào.


Trong thành phần tuyển Nhật dự giải lần này có một số cầu thủ ngoại nhập tịch, nhưng các cá nhân đó đều không thuộc dạng sao của rugby thế giới. Họ chỉ được đánh giá là một đội nhỏ tại bảng B, trong khi Nam Phi dự World Cup năm nay với lực lượng cầu thủ giàu kinh nghiệm nhất trong lịch sử đội tuyển nước này.

 

Chiến thắng của Nhật Bản thậm chí được đánh giá là kết quả bất ngờ nhất trong số sáu cú sốc hàng đầu của lịch sử Rugby World Cup

 

Nhưng lịch sử thể thao từng ghi nhận không ít cú sốc lớn khác, khi những VĐV hay những tập thể bị đánh giá thấp hơn rất nhiều đã đảo ngược mọi dự đoán và khiến đối thủ khổng lồ choáng váng.

Mike Tyson thua knock-out trước James 'Buster' Douglas, năm 1990


“Mike Thép” được đánh giá là không có đối thủ xứng tầm tại thời điểm đó, với thành tích bất bại, và là võ sĩ trẻ nhất vô địch quyền anh hạng nặng thế giới. Nhiều nhà cái hồi đó đưa ra tỷ lệ đặt 1 ăn tới 42 cho khả năng Douglas đánh bại được huyền thoại quyền anh Mỹ. Đó là tỷ lệ cược hấp dẫn nhất trong lịch sử quyền anh, đồng nghĩa đây là cuộc so găng bị đánh giá là có độ chênh lệch nhất. Nhưng cuối cùng Buster Douglas đã đấm gục Mike Tyson, làm nên một trong những bất ngờ lớn nhất của thế thao thế giới mọi thời đại.


Tyson đấm ngã Douglas ở hiệp thứ tám. Nhưng sàn đấu ở Tokyo hôm đó được chứng kiến một võ sĩ thép khác. Douglas đã tạo ra một trận “động đất”, nhưng khiến đông đảo người hâm mộ thích thú, ở hiệp thứ mười. Anh tung liên tiếp bốn cú đấm, trong đó có cú móc khiến Tyson không thể nhấc gối đứng dậy tiếp tục cuộc đấu.

Lewis Hamilton đánh bại Fernando Alonso, năm 2007


Hamilton tới giờ đã hai lần vô địch đua xe F1 thế giới. Nhưng hồi năm 2007, anh (trái) mới chỉ là một lính mới của môn thể thao này. Trong năm đầu tiên đó tại McLaren, anh là đồng đội với Fernando Alonso (phải) - tay đua người Tây Ban Nha vô địch thế giới liên tiếp hai năm trước đó, và là người được huyền thoại Michael Schumacher đánh giá sẽ là tay lái số một thế giới sau thời của anh.


Nhưng trong mùa giải đáng kinh ngạc năm 2007, tài năng trẻ người Anh mới lần đầu đua F1 đã chiếm ngôi á quân, còn Alonso chỉ giành vị trí thứ ba chung cuộc. Ngôi sao người Tây Ban Nha tức giận rời McLaren để quay lại Renault năm 2008, rồi sau đó đua cho Ferrari năm năm, trước khi quay lại McLaren năm nay.


Kể từ sau hai danh hiệu thế giới cùng Renault các năm 2005 và 2006, thành tích tốt nhất của Alonso chỉ là ba lần giành ngôi á quân khi đua cho Ferrari. Trong khi đó, Hamilton vô địch năm 2008, 2014 và hiện dẫn đầu ở mùa đua 2015.

Hy Lạp vô địch Euro 2004


Đến giờ, chuyên môn, truyền thông và người hâm mộ vẫn không thể hiểu chính xác bằng cách nào một đội bóng bình thường và không có ngôi sao như Hy Lạp có thể qua mặt các ông lớn để đăng quang ở giải vô địch bóng đá châu Âu. Năm đó Bồ Đào Nha là chủ nhà, giành ngôi á quân.

Argentina thua Cameroon 0-1, tại World Cup 1990


Hồi đó, có lẽ không ai dám tin trước trận rằng nhà ĐKVĐ thế giới sẽ thua trận mở màn, sau khi Diego Maradona đã tỏa sáng và giúp Argentina giành Cup vàng năm 1986. Trận đó, Cameroon đã chơi rất tốt, khi áp đảo về thể lực. Gã khổng lồ Nam Mỹ cuối cùng vẫn qua vòng bảng, rồi trở thành Á quân của giải sau khi thua Tây Đức ở chung kết. Nhưng việc Cameroon vượt qua vòng bảng hồi đó đã khiến thế giới phải bắt đầu thay đổi cái nhìn về bóng đá châu Phi.

Goran Ivanisevic vô địch đơn nam Wimbledon, năm 2001


Tay vợt Croatia năm đó chỉ được mời dự giải Grand Slam sân cỏ nhờ suất wildcard (đặc cách), sau khi đã tụt xuống quá thấp trong bảng vị trí ATP (thứ 125) nên không giành được quyền trực tiếp tham gia giải đấu. Nhưng anh đã tạo ra bất ngờ lớn nhất trong lịch sử Wimbledon, khi vươn tới đỉnh vinh quang ở nội dung đơn nam. Hồi đầu mùa giải năm đó anh từng dự tính giải nghệ ở tuổi 30 sau chấn thương vai. Tới giờ anh vẫn là tay vợt nam duy nhất vô địch Wimbledon, khi tham gia giải theo diện đặc cách.

Nguyễn Phát