Thứ sáu, 29/3/2024
Thứ tư, 5/2/2014, 05:00 (GMT+7)

20 người hùng tuổi Ngọ làm thay đổi thể thao thế giới

Năm Ngọ thường sản sinh ra những tên tuổi lớn cho thể thao thế giới như Drogba, Pacquiao, Romario, Mike Tyson.

Didier Drogba (sinh năm 1978, tuổi Mậu Ngọ)

Người hâm mộ Chelsea sẽ nhớ mãi về bàn gỡ 1-1 và cú sút luân lưu của Drogba trong trận chung kết Champions League 2012. Những pha lập công đó đã đưa The Blues đến chức vô địch châu Âu đầu tiên trong lịch sử CLB và giúp bóng đá Anh có nhà vô địch thứ năm sau Liverpool, Man Utd, Nottingham Forest và Aston Villa.

Pieter Van den Hoogenband (1978, trái)

Ở nội dung bơi 100 m tự do, Van den Hoogenband là kình ngư đầu tiên vào chung kết Olympics bốn kỳ liên tiếp. Trong đó anh giành hai chiến thắng vào các năm 2000 và 2004. Van den Hoogenband còn giành huy chương vàng Olympics nội dung 200 m tự do tại Thế vận hội Sydney 2000 trước sự ganh đua quyết liệt từ kình ngư chủ nhà Ian Thorpe.

Hossein Reza Zadeh (1978)

Mang biệt danh "Lực sĩ Hercules của Iran", Reza Zadeh đang giữ kỷ lục cử tạ hạng siêu nặng ở cả ba nội dung cử giật, đẩy và tổng cử. Anh cũng là người chấm dứt sự thống trị kéo dài nhiều thập niên của Liên Xô cũ và sau này là Nga ở nội dung cử tạ siêu nặng Olympics khi giành huy chương vàng Thế vận hội Sydney 2000. Trước khi giải nghệ vào năm 2008, Reza Zadeh có tổng cộng hai lần vô địch Olympics, bốn lần vô địch thế giới và hai lần vô địch Asiad.

Miroslav Klose (1978)

Ngôi sao của Lazio đang giữ một loạt kỷ lục khó bị phá vỡ trên đấu trường quốc tế: 68 bàn cho đội tuyển bóng đá nam Đức, ghi bàn bằng đầu nhiều nhất trong một kỳ World Cup (5 bàn, năm 2002), là cầu thủ duy nhất ghi ít nhất bốn bàn ở ba kỳ World Cup khác nhau. Klose và huyền thoại đồng hương Gerd Muller hiện có cùng số bàn thắng ghi được tại các kỳ World Cup (14), chỉ kém một bàn so với Ronaldo béo. Tiền đạo này chỉ cần ghi hai bàn tại giải đấu sắp tới ở Brazil để chiếm vị trí số một.

Dirk Nowitzki (1978)

Sở hữu chiều cao 2,13 m và khả năng chớp cơ hội bậc thầy, Nowitzki là một trong những tiền đạo hay nhất lịch sử giải bóng rổ nhà nghề Mỹ NBA. Cầu thủ này từng dẫn dắt đội Dallas Mavericks tới giai đoạn play-off 12 lần liên tiếp (trong đó có một lần vô địch năm 2011), được chọn vào đội hình tiêu biểu NBA 12 lần. Nowitzki hiện là một trong bốn cầu thủ từng ghi ít nhất 26.000 điểm tại NBA, có 9.000 cú rebound, 3.000 lần dọn cỗ, 1.000 cú block và 1.000 cú steal. Điều thú vị là Nowitzki đến từ Đức - đất nước chỉ coi bóng rổ là môn thể thao phổ biến thứ tư sau bóng đá, hockey và bóng ném. 

Frank Lampard (1978)

Nếu như Drogba là cầu thủ nước ngoài hay nhất trong một thập kỷ vừa qua của Chelsea thì Lampard là cầu thủ nội hay nhất. Đóng cả hai vai trò kiến tạo và ghi bàn từ tuyến hai một cách xuất sắc, ngôi sao người Anh góp công lớn vào các thành tích ba lần vô địch Premier League, bốn FA Cup, hai League Cup, hai Siêu Cup Anh, Champions League 2012, Europa League 2013. Lampard hiện cũng là cầu thủ ghi bàn nhiều nhất trong lịch sử Chelsea với 209 lần lập công.

Homare Sawa (1978, trái)

Năm 2011, Nhật Bản trở thành đội tuyển châu Á đầu tiên giành chức vô địch World Cup bóng đá nữ thế giới. Các cô gái đến từ xứ sở mặt trời mọc có hành trình tiến tới "ngôi hậu" rất ấn tượng: hạ chủ nhà kiêm nhà vô địch hai giải trước đó là Đức ở tứ kết, loại cựu á quân Thụy Điển ở vòng tiếp theo rồi đánh bại Mỹ - đội từng hai lần vô địch World Cup và nhiều lần giành huy chương vàng Olympics - trong trận chung kết. Homare Sawa là cầu thủ có đóng góp lớn nhất trong suốt hành trình đó với năm bàn thắng. Ngoài chức vô địch giành được cùng đồng đội, Sawa còn ẵm thêm các danh hiệu Quả bóng vàng, Chiếc giày vàng World Cup và giải nữ cầu thủ hay nhất FIFA cùng năm.

Manny Pacquiao (1978)

Kiếm được nhiều tiền hơn Tiger Woods, Roger Federer, David Beckham, Cristiano Ronaldo trong giới thể thao là chuyện không dễ, đặc biệt với một VĐV đến từ châu Á. Nhưng võ sĩ quyền anh người Philippines Manny Pacquiao đã làm được điều đó vào năm 2012 khi xếp thứ hai với 62 triệu USD. Con số này nhiều hơn gấp rưỡi so với thu nhập cùng năm của Ronaldo (42,4 triệu) hay Lionel Messi (39), và nhiều gần gấp đôi so với những gì mà Rafa Nadal kiếm được (33,2).

Khoản thu nhập trên xứng đáng với tầm vóc của Pacquiao. Cho đến nay Pacquiao vẫn là tay đấm đầu tiên và duy nhất giành chức vô địch thế giới ở tám hạng cân khác nhau. Võ sĩ Philippines này cũng có được nhiều giải thưởng uy tín, trong đó có danh hiệu "Tay đấm hay nhất thập niên đầu tiên của thế kỷ 21" do Hiệp hội nhà báo quyền anh Mỹ, Tổ chức quyền anh thế giới và Hội đồng quyền anh thế giới cùng bình chọn và trao tặng. 

Romario (1966, tuổi Bính Ngọ)

Năm 1966 chứng kiến một loạt danh thủ bóng đá chào đời và người đầu tiên trong đó đáng được vinh danh là nhà vô địch thế giới Romario. Tiền đạo này góp công lớn trong hành trình chinh phục World Cup 1994, giúp tuyển Brazil giải "cơn khát" kéo dài suốt 24 năm từ thời "vua Pele" giành vĩnh viễn Cup Nữ thần vàng. Với những đóng góp xuất sắc cho tuyển Brazil, Romario đã được trao danh hiệu Cầu thủ hay nhất FIFA năm 1994. Năm đó chủ nhân Quả bóng vàng Hristo Stoichkov và "đuôi ngựa thần thánh" Roberto Baggio lần lượt xếp sau "Quỷ lùn" trong Top 3.

Hristo Stoichkov (1966)

Stoichkov, đồng đội của Romario tại Barca, cũng có năm 1994 phi thường khi dẫn dắt Bulgaria vào bán kết World Cup. Thành tích này cùng chức vô địch La Liga đã đem lại Quả bóng vàng châu Âu cho "số 8 huyền thoại". Stoichkov cũng là cầu thủ Bulgaria đầu tiên và duy nhất giành danh hiệu này.

Eric Cantona (1966)

Lịch sử Man Utd và số phận Sir Alex thay đổi theo hướng tích cực đầu thập niên 1990 một phần nhờ tài năng của tiền đạo người Pháp. Bằng sự nhạy bén trước khung thành và ảnh hưởng lên mọi cầu thủ trên sân, Cantona dẫn dắt Man Utd từ một CLB luôn sống dưới cái bóng của Liverpool vươn lên vị trí dẫn đầu. Thi đấu bốn năm rưỡi tại sân Old Trafford, Cantona góp công đem lại bốn chức vô địch Ngoại hạng Anh, hai FA Cup, ba Siêu Cup Anh và khởi đầu kỷ nguyên thành công kéo dài đến ngày nay.

George Weah (1966)

Năm 1995, Weah trở thành cầu thủ đầu tiên và duy nhất tới nay đến từ châu Phi giành Quả bóng vàng. Thành công đó cho thấy những tài năng lục địa đen hoàn toàn có thể sánh ngang với các đồng nghiệp châu Âu và Nam Mỹ. Học theo tấm gương Weah và có được thuận lợi từ việc Liên đoàn bóng đá châu Âu nới lỏng luật cầu thủ ngoại quốc, những cầu thủ châu Phi tạo ra ảnh hưởng ngày một lớn. Eto'o, Drogba rồi Yaya Toure đang có được sự nghiệp mà ngay cả Weah thời đỉnh cao cũng thèm muốn.

Mike Tyson (1966)

Nếu như Muhammad Ali là tay đấm vĩ đại nhất trong lịch sử, Manny Pacquiao là tay đấm số một châu Á, thì Tyson là tay đấm đem lại nhiều cảm xúc nhất cho người xem. Cảm xúc có thể đến từ những yếu tố tích cực như danh hiệu võ sĩ trẻ nhất giành cả ba chức vô địch WBA, WBC, IBF, hoặc có thể đến từ những scandal như vụ hiếp dâm ứng cử viên ngôi Hoa hậu Mỹ Desiree Washington kèm theo án tù giam sáu năm. Tyson cũng gây phấn khích qua những trận thắng "siêu tốc" kéo dài chỉ từ vài phút đến vài hiệp, hoặc làm người xem bất ngờ vì những thất bại trước Douglas Buster, Danny Williams hay hành động cắn đứt tai Evander Holyfield.

Đan xen thành công với thất bại, Tyson là tay đấm được biết đến nhiều nhất 30 năm qua.

Roman Abramovich (1966)

Abramovich không tự tay tạo nên những kỳ tích thể thao nhưng những quyết định đầu tư của ông đã làm thay đổi hoàn toàn giải vô địch hay nhất Vương quốc Anh nói riêng và châu Âu nói chung. Đem đến sân Stamford Bridge bầu nhiệt huyết và cả một "núi tiền", vị tỷ phú người Nga biến Chelsea trở thành một thế lực lớn đủ chen chân vào cuộc đua song mã giữa Man Utd và Arsenal. Trong vòng 10 năm, The Blues giành mọi danh hiệu lớn nhất có thể tại châu Âu, trong đó có ba Premier League, bốn FA Cup, hai League Cup, một Champions League và một Europa League. Thành công này đã trở thành tấm gương cho các tỷ phú khác noi theo, tiêu biểu là các vụ đầu tư vào PSG và Man City.

Alberto Tomba (1966)

Tomba là người đưa môn trượt tuyết của Italy bước sang một trang mới với ba huy chương vàng Olympics, hai chức vô địch thế giới và chín danh hiệu World Cup. Ông có được những danh hiệu này chỉ trong vòng tám năm từ 1988 đến 1996. Trước đó trong 14 lần tham dự Thế vận hội mùa đông, Italy chỉ giành một huy chương vàng trượt tuyết của Gustav Thoni.

Tomba nổi tiếng với phong cách trượt tuyết kỹ thuật và thường giành chiến thắng với khoảng cách điểm lớn so với người xếp thứ hai. Đây là lý do khiến giới chuyên môn đặt cho ông biệt danh "Quả bom".

Mario Kempes (1954, Giáp Ngọ)

Trước khi Argentina trở nên nổi tiếng với những Maradona, Batistuta, Messi, bóng đá nước này vươn lên đỉnh cao đầu tiên chủ yếu nhờ công Kempes. Ông ghi được sáu bàn tại World Cup 1978 trên sân nhà, trong đó có hai bàn trong trận chung kết thắng Hà Lan 3-1, giúp đội bóng áo xanh trắng giành chức vô địch trước sự kinh ngạc của cả thế giới. Thành tích đó cũng giúp Kempes đoạt thêm ngôi vua phá lưới và danh hiệu cầu thủ hay nhất giải.

Kempes có phong cách khác xa những trung phong cổ điển. Ông không hoạt động quá nhiều trong vòng cấm mà thường xuất phát từ bên ngoài, khiến hậu vệ đối phương gần như không thể "bắt bài". Phong cách này có ảnh hưởng tích cực đến nhiều thế hệ tiền đạo Argentina sau này nói riêng và thế giới nói chung, trong đó nổi bật là Batistuta.

Bernard Hinault (1954)

Hinault là tay đua xe đạp vĩ đại nhất mà nước Pháp từng sản sinh. Ông là một trong năm tay đua vô địch cả ba giải đấu lớn (Vòng quanh nước Pháp, Italy, Tây Ban Nha) và là người duy nhất vô địch ba giải này ít nhất hai lần. Hinault cũng là một trong bốn tay đua vô địch cuộc đua Vòng quanh nước Pháp nhiều nhất (5 lần), sánh vai với những Jacques Anquetil, Eddy Merckx và Miguel Indurain.

Chris Evert (1954) 

Nếu như Nadal được xem là ông vua đất nện, thì Evert xứng đáng với ngôi hậu trên mặt sân này. Tay vợt nữ người Mỹ từng giành bảy chức vô địch Roland Garros, xếp trên cả Margaret Court và Steffi Graf tại đấu trường này. Trong kỷ nguyên mở rộng, Evert chỉ kém Graf về số lần vô địch Grand Slam (22-18) và là một trong mười tay vợt nữ giành bốn Grand Slam khác nhau.

Margaret Court (1942, Nhâm Ngọ) 

Tay vợt nữ người Australia đến nay vẫn là người giành Grand Slam nhiều nhất với 24 chức vô địch. Tay vợt còn thi đấu sở hữu nhiều chức vô địch nhất, Serena Williams vẫn kém Court bảy danh hiệu. Court cũng là tên tuổi số một trong lịch sử Australia mở rộng với 11 lần giành ngôi hậu.

Gilmar (thứ hai từ phải sang, 1930, Canh Ngọ) 

Nếu như Pele là người dẫn đầu các cuộc tấn công ở đội tuyển Brazil và CLB Santos thời đỉnh cao thì thủ môn Gilmar thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chiến thắng bằng những pha bay lượn cứu thua trước khung thành. Thủ môn sinh năm Canh Ngọ này từng tham dự ba kỳ World Cup, giành hai chức vô địch. CLB Santos có Gilmar và Pele đã giành hầu như mọi danh hiệu, trong đó có năm chức vô địch bang Sao Paulo, năm chức vô địch Brazil, hai Copa Libertadores và hai Cup Liên lục địa (thắng Benfica của Eusebio năm 1962 và Milan 1963). 

Gilmar từng nhận được giải thưởng Thủ môn hay nhất Brazil trong thế kỷ 20.

Xuân Hoàng