Thứ tư, 24/4/2024
Thứ ba, 23/10/2018, 12:26 (GMT+7)

Vẻ đẹp của cầu vượt biển dài nhất thế giới ở Trung Quốc

Dài hơn 55 km, cầu vượt biển Hong Kong - Macau - Chu Hải được đánh giá là một kỳ quan kết nối đồng bằng sông Châu Giang.

Bao gồm hai đường dẫn, cây cầu nối Hong Kong - Macau - Chu Hải có chiều dài 55km, gấp 20 lần cầu Cổng vàng nổi tiếng ở San Francisco, Mỹ, theo BBC. 

Cầu có vốn đầu tư 20 tỷ USD, khánh thành hôm 23/10. Chính phủ Trung Quốc tuyên bố cây cầu là yếu tố quan trọng trong kế hoạch phát triển Vùng vịnh Lớn, kết nối Hong Kong và Macau tới 11 thành phố ở Trung Quốc đại lục, với tham vọng biến khu vực này thành một trung tâm công nghệ cao cạnh tranh với thung lũng Silicon ở Mỹ.

Cấu trúc cầu được thiết kế để chịu được tác động của động đất, bão theo mùa và các vụ va chạm tàu. Để tàu chở hàng thuận lợi đi qua cửa sông, cầu có một đoạn chui xuống biển dài 6,7 km, với lối lên xây dựng ở hai hòn đảo nhân tạo.

Dự án cũng đi qua đường băng của sân bay quốc tế Hong Kong. Do đó, các kỹ sư phải tính toán và giới hạn chiều cao cầu kỹ lưỡng.

Tuy nhiên, xe cá nhân chỉ được phép lưu thông trên cầu nếu được cấp giấy phép đặc biệt. Việc đi lại trên cầu chủ yếu phục vụ các xe buýt tư nhân và xe chở hàng, không áp dụng cho phương tiện giao thông công cộng.

Dự án bắt đầu từ năm 2009 nhưng bị trì hoãn khánh thành nhiều lần do chậm tiến độ thi công và lo ngại về an toàn. Kết cấu cầu gồm ba cầu dây văng, chịu được sức gió 340 km/h. Tháp phía trên cầu thiết kế nhằm tôn vinh cá heo trắng, nghệ thuật thắt dây và thuyền buồm Trung Quốc. Những đường cong trên cầu thiết kế giống con rắn.

Cầu mở cửa từ 7h tới 18h hàng ngày.

Các nhà phê bình chỉ trích công trình xây dựng trên máu và nước mắt, khi 10 công nhân chết và hơn 600 người bị thương trong quá trình xây dựng. Năm nay, 6 nhà thầu phụ bị phạt vì để công nhân làm việc trong môi trường nguy hiểm. 

"Đây là một dự án lớn thiên về chính trị và không cần thiết", nhà lập pháp dân chủ Eddie Chu của Hong Kong nhận xét. Đầu năm nay, các quan chức của chính quyền Hong Kong cho hay giao thông trên cầu sẽ giảm 25% vào năm 2030 do một cây cầu khác cạnh tranh.

"Tôi cho rằng người ta không mấy hào hứng về cây cầu, bởi nó mất quá nhiều thời gian thi công và chi phí quá cao", Mee Kam Ng, giáo sư khoa địa lý, đại học Trung Quốc tại Hong Kong, nói.

Tuy nhiên, chính phủ Trung Quốc tuyên bố cây cầu có lợi cho sự phát triển của chính sách "một nhà nước, hai chế độ".

"Nó tạo điều kiện cho người dân ở ba khu vực có cơ hội trao đổi kinh tế thương mại lớn hơn", phó thủ tướng Trung Quốc Hàn Chính hôm nay phát biểu tại lễ khánh thành cầu ở thành phố Chu Hải.

"Nó cũng nâng cao năng lực cạnh tranh của đồng bằng châu thổ sông Châu Giang, cũng như giúp Hong Kong và Macau kết nối tốt hơn với Trung Quốc đại lục", ông Hàn nhận định.

Cầu sẽ đi qua ba trạm kiểm soát xuất nhập cảnh ở Hong Kong, Macau và Chu Hải. Sau khi thông xe, thời gian đi từ Hong Kong tới Chu Hải sẽ giảm từ ba tiếng xuống 30 phút.

Lối đi vào đường hầm ở Hong Kong.

Trung Quốc thông xe cầu vượt biển dài nhất thế giới tuần sau
 
 

Giới thiệu về cầu vượt biển dài nhất thế giới ở Trung Quốc. Video: Xinhua.

Ảnh: Reuters/AFP.