Thứ hai, 11/2/2019, 14:12 (GMT+7)

Triển vọng kết thúc chiến tranh Triều Tiên trong thượng đỉnh Trump - Kim

Hiệp ước hòa bình sẽ gây tranh luận về quân Mỹ đồn trú ở Hàn nhưng có thể tạo sức ép để Triều Tiên từ bỏ vũ khí.

Tổng thống Mỹ Trump (trái) và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Singapore tháng 6/2018. Ảnh: Reuters.

Tổng thống Mỹ Trump (trái) và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Singapore tháng 6/2018. Ảnh: Reuters.

Hội nghị thượng đỉnh thứ hai giữa Tổng thống Mỹ Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Việt Nam làm dấy lên hy vọng rằng lệnh ngừng bắn dài nhất trong lịch sử sẽ được thay thế bằng một hiệp ước hòa bình, theo AFP.

Seoul và Bình Nhưỡng về mặt lý thuyết vẫn trong tình trạng chiến tranh vì Chiến tranh Triều Tiên 1950 - 1953 kết thúc bằng hiệp định đình chiến chứ chưa có hiệp ước hòa bình. Ngoài Hàn Quốc và Triều Tiên, các bên ký hiệp định đình chiến bao gồm Bộ Tư lệnh Liên Hợp Quốc do Mỹ dẫn đầu hậu thuẫn cho Seoul và quân chí nguyện Trung Quốc hỗ trợ cho Bình Nhưỡng.

Stephen Biegun, đặc phái viên Mỹ về vấn đề Triều Tiên tuần trước nói rằng Trump đã "sẵn sàng chấm dứt cuộc chiến này". Tuy nhiên, các nhà phân tích đánh giá nỗ lực để đạt được hiệp ước hòa bình rất phức tạp, đòi hỏi nhiều cuộc đàm phán.

Tại hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in năm ngoái, hai bên đã nhất trí xúc tiến để kết thúc chiến tranh nhưng đã có rất ít tiến triển vì Mỹ - Triều vẫn bế tắc trong đàm phán về hạt nhân.

Trong bài phát biểu năm mới, ông Kim kêu gọi "các cuộc đàm phán đa phương để thay thế lệnh ngừng bắn hiện tại bằng một cơ chế hòa bình ràng buộc với các bên đã ký thỏa thuận đình chiến".

Đối với Bình Nhưỡng, hiệp ước hòa bình mang ý nghĩa quan trọng đối với an ninh của chính quyền vì điều đó có nghĩa "Triều Tiên và Mỹ không còn là kẻ thù", giáo sư Koo Kab-woo từ Đại học Nghiên cứu Triều Tiên tại Seoul, nói.

Tuy nhiên, nếu có hiệp ước, Triều Tiên sẽ chịu thêm áp lực phải từ bỏ chương trình hạt nhân vì Bình Nhưỡng nhiều lần tuyên bố họ phát triển vũ khí để phòng vệ trước Mỹ.

Tổng thống Hàn Moon Jae-in, người có khẩu hiệu là xây dựng một bán đảo "không có chiến tranh", tích cực thúc đẩy triển vọng này. Tuy nhiên, Washington lo ngại rằng hiệp ước có thể làm dấy lên tranh luận về sự cần thiết của liên minh quân sự với Seoul và 28.500 lính Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc.

Quân chí nguyện Trung Quốc hỗ trợ Triều Tiên trong chiến tranh đã rút khỏi bán đảo vào năm 1956. Nếu cuộc chiến chính thức kết thúc, Washington có thể mất đi lý do để hiện diện quân sự ở Hàn Quốc.

"Mỹ lo ngại những thay đổi đột ngột đối với trật tự khu vực sẽ ảnh hưởng đến lợi ích của họ, điều này không tốt khi Trung Quốc đang quyết liệt phô diễn sức mạnh", Koh Yu-hwan, giáo sư nghiên cứu về Triều Tiên tại Đại học Dongguk, nói.

Trong khi đó, hiệp ước hòa bình sẽ là tin tức đáng hoan nghênh cho Bắc Kinh khi nước này tìm cách giảm vai trò của Mỹ trên bán đảo, Koh nói thêm.

Các chuyên gia cho rằng khả năng các bên đưa ra hiệp ước hòa bình trong hội nghị thượng đỉnh tại Việt Nam là rất thấp, do tính phức tạp của vấn đề.

Chuyên gia Koo đánh giá thỏa thuận đòi hỏi rất nhiều thay đổi lớn, từ việc sửa đổi hiến pháp của hai miền bán đảo Triều Tiên cho đến đánh giá lại vai trò của quân đội Mỹ.

Kim Dong-yub, nhà phân tích tại Viện Nghiên cứu Viễn Đông có trụ sở ở Seoul, cho rằng có thể cần hơn ba năm đàm phán để đạt được hiệp ước như vậy.

Kịch bản khả dĩ hơn là các bên liên quan - Triều Tiên, Hàn Quốc, Mỹ và Trung Quốc - ra tuyên bố chấm dứt chiến tranh để mở đường cho hiệp ước hòa bình sau này.

"Tuyên bố kết thúc chiến tranh nghĩa là kết thúc mối quan hệ thù địch bằng lời nói", Koh nói. "Và hiệp ước hòa bình sẽ hoàn thiện nó theo cách ràng buộc về mặt pháp lý".

 

Chia sẻ bài viết qua email