Thứ sáu, 19/4/2024
Thứ năm, 20/7/2017, 11:17 (GMT+7)

Tem Triều Tiên - từ Công nương Diana đến tên lửa tấn công Mỹ

Ngoài tem phát hành nội địa, Triều Tiên còn phát hành riêng những mẫu tem để bán cho các nhà sưu tầm quốc tế.

Triều Tiên đã biến ngành phát hành tem thành một ngành công nghiệp hái ra tiền. Vào những năm 1980, Bình Nhưỡng dựa vào hình ảnh của những người nổi tiếng như Công nương Diana hay ngôi sao quần vợt Steffi Graf để thu hút khách hàng phương Tây. Bộ tem in hình Công nương Diana và Thái tử Charles cùng con trai cả Hoàng tử William nhắm đến các nhà sưu tầm người Anh, CNN dẫn lời Ross King, chuyên gia nghiên cứu về châu Á từ trường đại học British Columbia.

Giống như các nước phương Tây, ngành bưu chính Triều Tiên tập trung khai thác những sự kiện quốc tế và không bỏ qua các dịp kỷ niệm, ngày lễ lớn hay thành tựu của đất nước làm chủ đề in tem. Một con tem phát hành năm 1987 nhân Liên hoan Xiếc Quốc tế ở Monaco.

Triều Tiên có hơn 70 nhóm chủ đề in tem khác nhau bao gồm "Lịch sử cách mạng", "Đồng chí Kim Jong-Un đáng kính" cho đến những con tem in hình động vật, các loài giáp xác, thực vật hay giao thông, xây dựng. Con tem, theo chủ đề động vật, in hình mèo vờn chuột, phát hành năm 1991. 

Bắt đầu sản xuất những con tem bưu chính từ những năm 1970 của thế kỷ trước, Triều Tiên là "đối thủ cạnh tranh ngang tầm" với Mỹ trên thị trường phát hành tem thế giới. Một con tem dán trên các bưu phẩm gửi đường hàng không phát hành năm 1977. 

Mẫu tem phát hành nhân vòng chung kết World Cup 2014 dù Triều Tiên không giành được quyền tham dự. 

Triều Tiên phát hành bộ tem mới nhằm khiêu khích Mỹ 
 
 

Thị trường hiện nay mà cơ quan phát hành tem Triều Tiên nhắm đến là Trung Quốc, theo chuyên gia nghiên cứu về châu Á Ross King. Trung Quốc là một thị trường giàu tiềm năng với khoảng 20 triệu người sưu tập tem, tương đương với 1/3 tổng số người sưu tập tem trên toàn thế giới. Hình ảnh con tem phát hành năm 2010 kỷ niệm 60 năm ngày quân tình nguyện Trung Quốc có mặt ở Triều Tiên. 

"Rõ ràng, có một sự thay đổi lớn trong các mẫu thiết kế nhằm hấp dẫn các nhà sưu tập ở Trung Quốc. Nhiều bộ tem trong những năm gần đây mang chủ đề ca ngợi tình hữu nghị giữa hai quốc gia láng giềng hay các ngôi sao đại chúng Trung Quốc", ông King nhận xét.

Ngoài những mẫu tem dành riêng cho các nhà sưu tầm quốc tế, Triều Tiên còn phát hành thường kỳ các bộ tem với mục đích tuyên truyền chính trị. Hình ảnh một mẫu tem năm 1971 với chủ đề về cuộc sống xã hội chủ nghĩa.

Một con tem kêu gọi thống nhất hai miền Nam - Bắc với khẩu hiệu "Mở ra đại lộ dẫn tới sự thống nhất độc lập bằng quyết tâm không thể lay chuyển của cả đất nước!"

Con tem phát hành vào đầu năm nay để kỷ niệm 85 ngày thành lập lực lượng quân đội Triều Tiên. Bình Nhưỡng lấy mốc 1932, thời điểm bắt đầu cuộc kháng chiến chống Nhật dưới sự lãnh đạo Kim Il-sung, là năm thành lập quân đội.

Chân dung các lãnh tụ Triều Tiên thường xuyên xuất hiện trên các bộ tem. Một con tem với hình ảnh bức tượng cố Chủ tịch Kim Jong-il có giá khoảng 4 cent.

Dù những con tem "chống Mỹ" chỉ chiếm một số lượng nhỏ, chúng vẫn có giá trị phản ánh những giai đoạn thăng trầm trong quan hệ giữa Triều Tiên và Hoa Kỳ. "Các hình ảnh tuyên truyền thường miêu tả Hàn Quốc đang bị Mỹ chiếm đóng và kêu gọi Mỹ rút quân để hai miền Triều Tiên đi tới thống nhất", theo Koen de Ceuster, giảng viên tại đại học Leiden, Hà Lan.

Loạt tem mới nhất in hình ảnh tòa nhà Quốc hội Mỹ ở Washington bị tấn công và một con tem khác cho thấy một nắm tay đấm cong tên lửa của Mỹ để kỷ niệm ngày ký Hiệp định đình chiến kết thúc cuộc chiến tranh 1950-1953 giữa hai miền Triều Tiên và nhân tháng "Kháng chiến chống Đế quốc Mỹ" được tổ chức hàng năm. 

An Hồng (Nguồn: Guardian, Asia Pacific Journal và Flicker)