Thứ sáu, 19/4/2024
Thứ bảy, 9/12/2017, 21:00 (GMT+7)

Những vũ khí bị lãng quên trong nghĩa trang tăng thiết giáp Nga

Rất nhiều xe tăng thiết giáp và khí tài Nga bị bỏ mặc ngoài trời, dù chưa từng được đưa vào sử dụng trong biên chế quân đội.

Sau khi Liên Xô tan rã, Nga được thừa hưởng số lượng khổng lồ khí tài quân sự, trong đó có hàng chục nghìn xe tăng thiết giáp và xe tải đa dụng. Tuy nhiên, khó khăn kinh tế và tính năng lạc hậu khiến những vũ khí này không được sử dụng mà bị lãng quên ở nhiều khu vực trên lãnh thổ Nga, theo RBTH.

Việc tái chế những khí tài này cũng hết sức phức tạp và tốn kém, do chúng được chế tạo từ những hợp kim phức tạp, dễ bị mất kim loại quý bên trong nếu ứng dụng quá trình nấu chảy sắt thép thông thường.

Các "nghĩa trang vũ khí" này thường không có người quản lý, bất cứ ai cũng có thể ra vào để khám phá hàng loạt khí tài bên trong.

Truyền thông Nga cho biết những người hái nấm từng phát hiện một tổ hợp S-200 nguyên vẹn bị bỏ lại trong một khu rừng ở tỉnh Moscow.

Rất nhiều vũ khí bị bỏ lại trong tình trạng kỹ thuật nguyên vẹn, như tên lửa còn nạp nhiên liệu và đạn pháo chưa bị tháo thuốc nổ bên trong. Điều này gây ra mối hiểm họa về lâu dài, khi lớp vỏ đạn bị hư hỏng và thuốc nổ bên trong có thể bị kích hoạt.

Một số khí tài thậm chí còn bị vứt bỏ khi chưa kịp đưa vào sử dụng. Chúng cũng không được xuất khẩu cho các quốc gia có nhu cầu vì nhiều lý do khác nhau.

Bộ Quốc phòng Nga đang tìm kiếm giải pháp xử lý những nghĩa trang vũ khí như vậy. Một trong những phương án được đề xuất là bán đấu giá từng lô trang thiết bị.

Nếu giải pháp bán đấu giá được lựa chọn, những khí tài này sẽ được tháo bỏ toàn bộ linh kiện nhạy cảm, vô hiệu hóa nhiên liệu và chất nổ bên trong, trước khi tới tay người mua.

Hầu hết chúng sẽ được nấu chảy và tái chế, hoặc được phục hồi về tình trạng kỹ thuật ban đầu để thực hiện các nhiệm vụ dân sự. Xe tăng có thể làm xe cứu hỏa trong điều kiện khó khăn, trong khi thiết giáp chở quân có thể phục vụ các nhà nghiên cứu tại khu vực có môi trường khắc nghiệt.

Tuy nhiên, nhiều khí tài sẽ không thể xử lý triệt để. Chúng sẽ bị lãng quên và dần mục nát hoàn toàn sau hàng chục năm.

Ảnh: Lana Sator