Thứ năm, 28/3/2024
Thứ ba, 22/8/2017, 12:17 (GMT+7)

Những người mặc quần nhung, xỏ khuyên lang bạt khắp châu Âu học việc

Theo truyền thống từ thời Trung Cổ ở châu Âu, những người thợ sau khi học nghề sẽ lang bạt làm thuê khắp nơi để tích lũy kinh nghiệm.

Mặc quần nhung ống loe, sơ-mi trắng và áo khoác jacket, những người thợ học việc ở châu Âu, đeo trên lưng túi đựng tư trang gọn nhẹ, đi lang bạt khắp nơi kiếm việc làm để trau dồi tay nghề và tích lũy kinh nghiệm, theo New York Times.

Theo truyền thống, những người thợ học việc đủ ngành nghề từ làm bánh, thợ mộc, thợ nề, đẽo đá đến lợp ngói, đều không quá 30 tuổi, chưa kết hôn và không nợ nần. Họ sẽ xa nhà, đi học nghề khoảng hai đến ba năm. Rồi sau đó, họ sẽ tập trung nhau lại cùng đi lang thang khắp nơi làm việc và sống dựa vào lòng tốt, sự hào phóng của những người xa lạ.

Vào đêm trước khi lên đường, những người thợ thường tổ chức tiệc chia tay với bạn bè và người thân. Giữa bữa tiệc, theo truyền thống, họ sẽ phải bấm lỗ tai và xỏ một chiếc khuyên tai. Chiếc khuyên tai này sẽ theo họ trên suốt hành trình. Nếu phá luật, họ sẽ phải chịu hình phạt "xé tai", một từ lóng trong tiếng Đức để chỉ những kẻ không trung thực. 

Buổi sáng hôm sau, trước khi lên đường, những người thợ sẽ chôn một vật kỷ niệm ở ngoài rìa thị trấn quê hương, rồi trèo lên tấm biển đánh dấu ranh giới địa phận của thị trấn, từ đó, nhảy xuống giữa vòng tay của những người thợ khác đứng đỡ ở bên dưới.

Trong suốt hành trình, những người thợ sẽ nương tựa vào nhau, chia sẻ kinh nghiệm làm việc và hỗ trợ tinh thần. Ai cũng mang theo mình một cuốn sổ nhật ký để dán những chiếc tem ở mỗi thành phố mà họ đi qua như là một cách xác nhận thành quả lao động dọc chuyến đi. Trước kia, những cuốn sổ này như bản tóm tắt quá trình làm việc của mỗi người. Những người thợ sau khi trở về sẽ dùng cuốn sổ để đi xin việc. Tuy nhiên, ngày nay, cuốn nhật ký chủ yếu chỉ dùng để ghi chép về những điều xảy ra trên đường.

Trên đường đi, những người thợ sẽ lao động để đổi lấy chỗ ngủ và đồ ăn thức uống. Trong điều kiện thời tiết ấm áp, họ sẽ ngủ ngoài trời như ở công viên hoặc những nơi công cộng. Hành trang mang theo chủ yếu là dụng cụ đồ nghề, một ít quần áo lót, một vài đôi tất và vài chiếc áo sơ-mi cột vào chiếc gậy đi đường, đôi khi, được gấp gọn lại thành gối. 

Mọi người có thể dễ dàng nhận ra những người thợ học nghề này qua chiếc quần nhung ống loe đặc trưng với túi đáy sâu. Màu của chiếc áo khoác jacket sẽ cho biết người thợ làm nghề gì ví dụ như thợ mộc sẽ mặc áo màu đen và màu nâu đỏ sẽ dành cho thợ may và màu xanh đậm là của thợ làm vườn. 

Đa số những người thợ học việc duy trì truyền thống đi lang bạt tích lũy kinh nghiệm đều đến từ các nước nói tiếng Đức.

"Bên ngoài cộng đồng nói tiếng Đức, người ta nghĩ chúng tôi là dân cao bồi", Arnold Böhm, 25 tuôi, thợ mộc đến từ thị trấn Görlitz, phía đông nước Đức, từng đến tận Namibia và Nam Phi ở châu Phi để làm việc.

Truyền thống này bị gián đoạn trong Chiến tranh Thế giới II và chỉ được khôi phục trong những năm 1980 và 1990. Những người thợ, đi theo nhóm hoặc đi một mình, hoàn toàn dựa vào năng lực và kỹ năng của bản thân để kiếm sống. Trước kia chỉ có đàn ông tham gia những chuyến đi như thế này. Nhưng hiện nay có cả phụ nữ.

Theo đúng truyền thống, những người thợ học việc thời hiện đại không được mang theo các thiết bị giúp định vị vị trí của họ dễ dàng như điện thoại di động. Nếu muốn, họ chỉ được phép mang theo máy ảnh kỹ thuật số và sử dụng máy tính công cộng để gửi thư điện tử.

Bên cạnh đó, họ cũng không được tìm việc ở những nơi nằm trong bán kính 60 km tính từ quê nhà. Truyền thống này vẫn được duy trì đến ngày này, nhằm khuyến khích sự độc lập, cởi mở và kết nối của những người thợ. Nhiều người thợ trẻ trước khi lên đường chưa từng sống xa cha mẹ và người thân.

Dẫu vậy, đối với họ, khó khăn nhất là lúc quyết định quay trở về nhà, nghĩa là từ bỏ sự tự do của việc được rong ruổi từ nơi này sang nơi khác, ngày này qua ngày khác, mà không cần phải quan tâm xem tối nay, mình ngủ ở đâu, ăn gì hay gặp gỡ ai.

"Anh sẽ không có gánh nặng cơm áo gạo tiền, không phải lo cho gia đình hay nhà cửa. Anh chỉ có sự tự do", thợ mộc Arnold Böhm nói.

An Hồng (Ảnh: New York Times)