Thứ sáu, 29/3/2024
Chủ nhật, 3/2/2019, 01:00 (GMT+7)

Những nghề đường phố đang mai một ở Hong Kong

Xem bói, trừ tà hay bán gạo là những nghề nghiệp sẽ sớm đi vào dĩ vãng ở Hong Kong.

Ông William Kam tự nhận là người có khả năng đọc chính xác 100% vân tay và nhân tướng để đoán vận hạn và số mệnh của một con người. Người đàn ông này tin rằng ông biết bói toán nhờ 50% tài năng và 50% do học hành và nghiên cứu. Ông Kam mở quầy hàng ở cuối phố Temple trong khu chợ đêm. Sau lưng, ông treo một tấm vải nhựa màu đỏ quảng cáo thành tựu sau 25 năm xem bói của mình. Với phong thái hoạt bát, vui tính và thái độ nghiêm túc, ông giữ chân được nhiều khách hàng trung thành. Ông có thói quen ngân nga những bài hát của ban nhạc Bee Gees huyền thoại khi rảnh rỗi. 

Bà Yan, một người làm nghề trừ tà và giải vận xấu, ngồi giữa dòng người và xe cộ qua lại dưới cây cầu vắt ngang đường Canal. Công việc của bà là làm phép và đốt những hình nhân thế mạng. Khuôn mặt bà ấm áp và hay cười đối ngược hoàn toàn với khung cảnh u ám và kỳ bí xung quanh. Bà Yan cho rằng bà làm nghề thầy cúng để giúp đem lại vận may cho mọi người, không phải trù úm. Tuy nhiên, nếu khách hàng yêu cầu, bà cũng có thể yểm bùa. Bà thú nhận từng giúp nhiều khách hàng trả thù những bà vợ hoặc ông chồng phản bội, yểm bùa những cô nhân tình nhân ngãi, hay nhân viên muốn trù ẻo quản lý xấu tính.

Ông Wu Ding Keung, 82 tuổi, là một trong những nghệ nhân làm khuôn chữ cuối cùng ở Hong Kong. Ông lão này đã làm việc hơn 30 năm ở góc đường Argyle và Mong Kok. Trong cửa hàng, những con chữ thư pháp viết tay được treo đầy trên tường, trên bàn là một cuốn sổ phác họa với thông tin chi tiết về khách hàng. Vào những ngày vắng khách, ông vẫn miệt mài làm việc vì có những sản phẩm, ông phải mất ba ngày mới hoàn thành.

Bà Ho là chủ xưởng sản xuất cân đòn bẩy Lee Wo Steelyard, nằm cuối một con ngõ ở Yau Ma Tei. Bà kế thừa nhà xưởng 90 năm tuổi này từ người cha quá cố. Ngay từ khi mới 12 tuổi, bà đã được cha dạy cách làm loại cân truyền thống này. Bà nhớ trước kia công việc kinh doanh rất phát đạt, những chiếc cân được bán với giá dao động từ 200 đến 980 đô la Hong Kong tùy vào kích cỡ. Nhưng giờ đây, khi các loại cân điện tử ra đời, kinh doanh ngày càng khó khăn.

Công ty sản xuất xửng hấp Tuck Chong Sum Kee là một trong những công ty cuối cùng sản xuất loại sản phẩm này ở Hong Kong. Từng chiếc xửng tre ở đây đều do chính các thành viên trong gia đình họ Lam làm thủ công. Ông Raymond Lam bắt đầu làm việc trong xưởng của gia đình từ khi còn rất nhỏ. Hiện người đàn ông này vẫn ngày ngày miệt mài uốn những thanh tre thành những chiếc xửng hấp dim sum tròn trịa. Bí quyết, theo ông, là độ mềm và chất của thanh tre ảnh hưởng đến mùi vị của món ăn hấp bên trong.

Ông Wong Tak Kam làm việc tại cửa hàng bán gạo của gia đình từ khi mới 16 tuổi. Năm nay đã 73 tuổi, ông vẫn cần mẫn hàng ngày làm các công việc theo tuần tự mà ông đã làm mấy chục năm qua. Cửa hàng gạo Shing Hing Tai không thay đổi một chút nào so với năm 1956. Chiếc máy xát gạo 30 năm tuổi vẫn chạy tốt. Và ông Wong vẫn giao gạo cho khách hàng bằng chiếc xe đạp 40 năm tuổi. Cả 5 đứa con của ông đều không muốn tiếp nối công việc kinh doanh truyền từ thời ông nội, do vậy, sau khi ông Wong về hưu, cửa hàng sẽ đóng cửa vĩnh viễn.

Ông Chen Kau làm nghề viết thư thuê gần 40 năm. Hồi còn ở Việt Nam, ông làm kế toán cho một công ty sản xuất phim truyện. Ông đến định cư ở Hong Kong vào năm 1972. Ở đây, ông giúp khách hàng viết thư gửi cho người thân ở nước ngoài và tư vấn cho họ về một số vấn đề pháp lý. Ngày nay, người ta thấy dáng một người đàn ông gầy gò, cởi trần, mồ hôi nhễ nhại ngồi trong một góc chợ với chiếc máy đánh chữ cổ. Chỉ một số ít người hiện vẫn đến nhờ ông điền đơn nộp thuế, xin trợ cấp xã hội hoặc xin thị thực. Ông dùng toàn bộ thời gian rảnh rỗi trong ngày để đọc báo và chuyện phiếm với bạn chợ.

Ảnh: Gary Jones/ Guardian