Thứ sáu, 29/3/2024
Thứ sáu, 29/5/2015, 19:00 (GMT+7)

Những con tàu độc có khả năng thay đổi cục diện chiến tranh

Sự kết hợp giữa tàu Montford Point, một trạm hậu cần đa năng lưu động, và Millinocket với tốc độ cao và khả năng chuyên chở lớn sẽ là yếu tố thay đổi cục diện trận chiến, mang lại ưu thế vượt trội cho quân đội Mỹ trong tương lai, chuyên gia đánh giá.

Mỹ hồi tuần trước trong cuộc tập trận Culebra Koa 15 (KC 15) diễn ra tại Hawaii có cơ hội phô diễn hai chiếc tàu mới với cấu tạo độc đáo vừa được bổ sung vào hàng ngũ khí tài quân sự hiện đại của quân đội nước này.

Một trong hai mẫu tàu trên là USNS Montford Point, với nền tảng tàu đổ bộ di động (MLP), được biên chế cho Bộ tư lệnh Vận tải Hải quân Mỹ (MSC) từ tháng trước. Ảnh: US Navy

Tàu Montford Point dài 233m, tải trọng rẽ nước 34.500 tấn, vận tốc trung bình 37 km/h, tầm hoạt động gần 17.000 km. Để tiết kiệm chi phí, tàu được chế tạo không tuân theo tiêu chuẩn của chiến hạm. Thay vào đó, Montford Point có thiết kế với một khoang trống lớn để vừa làm bãi đỗ vừa làm nơi bốc dỡ hàng hóa. Trong ảnh là đồ họa tàu Montford Point. Ảnh: Foxtrot Alpha

Montford Point trang bị hệ thống cầu đặc biệt giúp nó kết nối với nhiều loại tàu vận tải khác nhau, cho phép vận chuyển hàng hóa, khí tài quân sự lên boong ở cả những địa điểm cách xa bờ mà không phải phụ thuộc vào bến cảng hay các cơ sở hạ tầng cố định nào khác.

Ngoài ra, chiếc tàu lớp MLP này cũng có khả năng tự nhấn chìm một phần thân để trở thành bãi đỗ lý tưởng cho các loại tàu đổ bộ cỡ nhỏ như tàu đệm khí. Trong ảnh, Montford Point đang đón một tàu nhỏ. Ảnh: US Navy

Theo thiếu tá Brian Tague của MSC, khả năng thay đổi cách thức và thời điểm đưa một lực lượng quân sự đổ bộ lên bờ là điểm sáng chiến lược của Montford Point, giúp nó trở thành quân át chủ bài thay đổi cục diện cả một chiến dịch.

Vận chuyển lượng lớn hàng hóa, nhân lực, trang thiết bị đi quãng đường dài trên biển là nhiệm vụ tương đối dễ dàng. Nhưng để đưa chúng từ biển lên bờ lại là vấn đề lớn, nhiều khi gây ra tình trạng ùn ứ, "thắt cổ chai". Để xử lý rắc rối trên, người ta thường phải xây dựng các kiến trúc cố định, tốn kém hàng trăm, thậm chí hàng tỷ USD. Nhưng các công trình này lại dễ bị tấn công và khả năng phòng thủ kém.

Giải pháp duy nhất còn lại là triển khai những loại tàu vận tải - đổ bộ chuyên môn hóa cao như MLP. Tàu USNS Montford Point và các tàu lớp MLP khác trong tương lai sẽ xóa bỏ tình trạng tắc nghẽn trong quá trình tháo dỡ khi chúng vừa đóng vai trò là cầu tàu vừa là một tàu đổ bộ chuyên dụng. Ảnh: US Navy

Sự ra đời của tàu Montford Point là minh chứng rõ nét nhất cho bước thay đổi trong chiến lược quân sự của Washington, từ việc phải phụ thuộc vào các căn cứ cố định để cung cấp hỗ trợ về hậu cần và vận hành đến tự triển khai một cơ sở lưu động với đầy đủ chức năng có ở một căn cứ kiểu cũ. Đây được xem như một phần trong nỗ lực nhằm thúc đẩy kế hoạch "xoay trục sang châu Á" của Lầu Năm Góc và chính quyền Tổng thống Barack Obama. Trong ảnh là boong tàu Montford Point. Ảnh: Vice

Tàu độc của Mỹ hoạt động trên thực địa
 
 

Con tàu đáng chú ý khác xuất hiện trong cuộc tập trận CK15 lần này là USNS Millinocket. Đây là chiếc thứ ba thuộc dự án phát triển tàu chiến đấu hỗn hợp cao tốc (JHSV) của quân đội Mỹ.

Millinocket hay các tàu thuộc lớp JHSV khác thực chất có thiết kế giống với những loại phà cao tốc thường dùng để chở người và phương tiện qua lại giữa các đảo. Ảnh: Vice

Tàu sở hữu 4 động cơ V-20 tăng áp cỡ lớn. Đây là điểm mấu chốt bên cạnh những chi tiết khác giúp Millinocket đạt tốc độ cao. Tàu di chuyển với vận tốc khoảng 26 km/h khi động cơ chạy không tải và trên 74 km/h nếu hoạt động hết công suất. Tàu có thể chở 600 tấn hàng và 312 lính thủy đánh bộ, tương đương một tiểu đoàn thiết giáp hạng nhẹ. Trong ảnh là đồ họa tàu Millinocket được trang bị súng máy. Ảnh: Nav Source

Tính nhanh nhạy và cơ động là ưu thế mang đến cho Millinocket khả năng "làm mưa làm gió", gây khó khăn cho đối phương trong các chiến dịch tại những bờ biển được bảo vệ nghiêm ngặt, theo Vice. Trong ảnh, tàu Millinocket hồi tháng 6/2013 được kéo ra khỏi xưởng. Ảnh: Nav Source

Các chuyên gia quân sự Washington cũng rất quan tâm đến kịch bản JHSV và MLP phối hợp tác chiến.

Tàu của MSC trước đây thường không tham gia chiến đấu và do thủy thủ đoàn dân sự hay nhân viên chính phủ điều khiển. Chúng đóng vai trò hậu cần, hỗ trợ các chiến hạm khác của hải quân Mỹ phát huy tối đa uy lực trên chiến trường.

Nhưng nay, với sự xuất hiện của USNS Montford Point và USNS Millinocket, tình thế có thể được lái sang một hướng hoàn toàn khác khi chính hai tàu này mới là nhân vật chính, quyết định thành bại của cả một chiến dịch.

Một điểm cộng khác của tàu lớp MLP và JHSV là chúng còn có thể tham gia vào cả các nhiệm vụ nhân đạo hay trợ giúp công tác đối phó thảm họa rất hiệu quả. Trong ảnh, tàu Millinocket và tàu Montford Point đi ngang qua nhau trong lúc chuẩn bị cho cuộc tập trận KC15. Ảnh: MSC Sealift

Vũ Hoàng