"Tôi gần như chắc chắn rằng mình được sinh ở thành phố Vĩnh Long. Mẹ đẻ người Việt của tôi có thể đã có chuyện tình với một lính Hàn Quốc trong chiến tranh", Arjen IJff, người đàn ông đang sống ở Amsterdam, Hà Lan, mở đầu câu chuyện với VnExpress.
Arjen đoán bố mẹ mình đã gặp nhau vào khoảng mùa xuân năm 1974 và anh được sinh ra gần một năm sau đó. Vì hồi nhỏ không có vết chàm xanh ở mông như những trẻ sơ sinh Việt Nam khác, nên Arjen nghĩ mình là một người con lai. Cha anh cũng có thể là một người Mỹ.
Từ tháng 4/2018, Arjen lưu lại ở TP HCM, với mong muốn tìm lại được người mẹ Việt, hiện khoảng 60 đến 68 tuổi. Gia đình anh có thể sống trong bán kính 10 - 20 km quanh tỉnh Vĩnh Long.
Theo những tài liệu Arjen đang giữ, khi mới được vài tuần tuổi, anh bị bỏ rơi tại một nữ tu viện kiêm cô nhi viện mang tên Good Shepherd, cơ sở nhận trẻ bị bỏ rơi duy nhất khi đó ở Vĩnh Long.
Sau hơn một tuần, Arjen và một số trẻ khác được mục sư Peter Aarts đưa đến Đại sứ quán Hà Lan tại Sài Gòn và được phu nhân đại sứ, bà Caroline van Roijen, chăm sóc. Peter Aarts là người truyền đạo tại miền nam Việt Nam trong giai đoạn 1960 - 1975. Đến giữa tháng 4/1975, khi Arjen được ba tháng tuổi, anh là một trong 27 trẻ trong chiến dịch Babylift (Không vận Trẻ em Việt Nam), được đưa sang Hà Lan làm con nuôi. Khi đó bố mẹ người Hà Lan của anh không nhận được bất cứ giấy tờ gì, kể cả giấy khai sinh.
Tìm lại tu viện Good Shepherd đã bị phá bỏ, Arjen nhận ra nơi này đã được thay bằng một quảng trường rộng lớn trên đường Tô Thị Huỳnh. So sánh với bức ảnh cũ, anh tin rằng đây chính là nơi mình bị bỏ rơi, vì vẫn còn cây me già bên sông.
Arjen không có cơ hội gặp mặt mục sư Aarts vì ông đã qua đời năm 2007. Với phu nhân cựu đại sứ Caroline van Roijen, Arjen từng nhiều lần gặp gỡ nhưng bà không thể nhớ cụ thể thông tin riêng của "Nguyen Khanh Hung", tên tiếng Việt của Arjen trong danh sách 27 trẻ của Đại sứ quán Hà Lan tại Sài Gòn lúc bấy giờ.
Tuổi thơ của Arjen trôi qua êm đềm ở một trang trại tại Beemster, phía bắc Hà Lan, một thị trấn nổi tiếng về hoa tulip và các sản phẩm pho mát. Là con duy nhất trong gia đình, cậu bé gốc Việt không hề nhận thấy sự khác biệt của mình vì mọi người xung quanh đối xử bình thường. Ở trường, Arjen còn được nhiều bạn bè quý mến vì vẽ đẹp. Những bức vẽ cối xay gió và các loài cây giúp Arjen tạo nên một thế giới của riêng mình.
Một số bạn bè ở trường đôi lúc trêu Arjen "là người Trung Quốc", vì cậu trông giống những người làm việc tại một nhà hàng Trung Quốc trong thị trấn. Arjen phủ nhận điều đó và cũng không mấy quan tâm.
Nhưng đến khi hơn 20 tuổi, ý nghĩ "mình không phải người Hà Lan" lớn dần lên trong tâm trí Arjen. Anh băn khoăn về nguồn gốc của mình và rời xa quê nhà, lên Amsterdam sống. Arjen nghĩ nhiều đến Việt Nam, nơi anh đã sinh ra, điều chưa từng xảy ra trước đó.
Kể từ lúc quyết định lên đường về Việt Nam đến khi thực hiện, Arjen mất đến một năm chần chừ.
"Lỡ đâu tôi thấy nơi ấy xa lạ, lỡ tôi không được đón nhận", anh nói về nỗi lo sợ của mình.
Cho phép bản thân có thời gian làm quen với Việt Nam, Arjen bắt đầu chuyến đi từ bắc xuống nam vào năm 2007. Phong cảnh, con người và tập quán ở những nơi đi qua khiến chàng trai thích thú. Một ngày đang ngồi uống cafe ở Hà Nội, Arjen bỗng cảm thấy như mình đang ở nhà.
"Mọi người xung quanh đều trông giống tôi và tôi cảm thấy có mối liên kết với nơi này", Arjen nói.
Anh phát hiện rằng Hà Nội có nhiều loại phở, bún, giống như súp, món ăn yêu thích của mình. Anh cũng thích ăn cơm khi ở Hà Lan, khi đó có nhiều loại gạo nhập khẩu. Arjen nói vui có thể sở thích về ẩm thực là điều chứng tỏ anh có dòng máu Việt. Ở cuối chuyến đi, Arjen cảm thấy rất hạnh phúc, trở về Hà Lan với cảm giác mãn nguyện.
"Chuyến đi đã giúp tôi thêm vững tâm về mong muốn tìm cha mẹ đẻ của mình. Lần đầu tiên trong đời tôi cảm thấy mình có nguồn gốc Việt", anh nói.
Arjen nhận được sự ủng hộ hết lòng của bố mẹ nuôi về ý định tìm cội nguồn. Họ thậm chí còn đi cùng anh về Việt Nam một lần vào năm 2012. Bố nuôi của Arjen hiện 73 tuổi, còn mẹ nuôi anh đã mất cách đây 4 năm.
Trong lần thứ 5 đến Việt Nam vào đầu năm 2018, Ajen ở lại TP HCM và làm thiết kế đồ hoạ trong công ty của một người bạn. Anh muốn tiếp tục hành trình tìm kiếm bố mẹ đẻ, đồng thời thử nghiệm xem mình có thích hợp với cuộc sống ở Việt Nam hay không.
Gần đây, khi đọc được tin một người ở Anh, cũng là trẻ trong Chiến dịch Không vận sau chiến tranh, tìm được mẹ ở Việt Nam, Arjen càng có thêm động lực cố gắng.
"Có thể bây giờ đã đến lúc, có thể cơ hội để đoàn tụ với gia đình đang chờ tôi ở phía trước", Arjen nói, không giấu được sự mong ngóng.
Khánh Lynh