Thứ ba, 23/4/2024
Thứ năm, 18/2/2016, 00:00 (GMT+7)

Loạt hoạt động lộ ý đồ quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông

Trung Quốc trong hai tháng gần đây tiến hành một loạt động thái cho thấy ý đồ quân sự hóa và hiện thực hóa yêu sách chủ quyền tại Biển Đông.

Trung Quốc hồi đầu tháng một bay thử nghiệm ra đường băng 3.000 m nước này xây dựng bất hợp pháp trên đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Mỹ bày tỏ quan ngại việc làm của Trung Quốc nhắm tới các mục đích quân sự, làm gia tăng căng thẳng trong khu vực. Giới quan sát cho rằng các đường băng do Trung Quốc xây dựng đủ dài để các máy bay ném bom tầm xa và các chiến đấu cơ tốt nhất của Bắc Kinh có thể hoạt động.

Việt Nam kiên quyết phản đối và nhấn mạnh hành động của Trung Quốc xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam. Đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội để trao công hàm phản đối về vụ việc. Ảnh: Xinhua

 

Ngày 1-8/1, Trung Quốc đã thực hiện 46 chuyến bay vào vùng thông báo bay FIR Hồ Chí Minh (màu xanh trong hình) mà không nộp kế hoạch bay cho Việt Nam và không thiết lập liên lạc thoại với Trung tâm kiểm soát đường dài Hồ Chí Minh, trái với quy định của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO).

Cục Hàng không dân dụng Việt Nam (CAAV) khẳng định chuyến bay của Trung Quốc đe dọa sự an toàn của tất cả các chuyến bay trong khu vực. Việt Nam đã trao công hàm phản đối với Trung Quốc và gửi thư thông báo về sai phạm của Bắc Kinh lên ICAO.

Bloomberg giữa tháng một đưa tin rằng tàu hải cảnh "Quái thú" số hiệu 3901 của Trung Quốc, được trang bị pháo bắn nhanh 76 mm, hai pháo nhỏ hơn và hai súng máy phòng không, có thể sẽ được triển khai đến Biển Đông. Đây là tàu hải cảnh lớn nhất thế giới và còn lớn hơn tàu hải quân Mỹ trong khu vực.

Những tàu hải cảnh trước đây chủ yếu chỉ trang bị còi hú và vòi rồng. Theo giới phân tích, với việc trang bị pháo hạm cỡ lớn cho tàu "Quái thú", Trung Quốc ngày càng xóa nhòa ranh giới giữa lực lượng hải cảnh và hải quân Trung Quốc, tiềm ẩn nguy cơ gây ra những sự cố và xung đột bất ngờ trên biển. Ảnh: Sina

Trung Quốc hôm 14/1 ngang nhiên công bố sẽ đẩy mạnh các hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng tại đảo Phú Lâm, quần đảo Hoàng Sa, nơi Trung Quốc đặt bộ máy chính quyền của cái gọi là "thành phố Tam Sa", mà nước này lập ra trái phép nhằm hiện thực hóa yêu sách chủ quyền phi lý ở Biển Đông. Bắc Kinh nói rằng họ đang nghiên cứu đóng tàu tuần tra "Tam Sa 2" và hai tàu vận chuyển tiếp tế khác. Ngoài ra, họ còn tiến hành xây dựng tòa án tại đảo Phú Lâm để "xét xử" công dân nước ngoài khi xâm phạm cái mà họ gọi là "chủ quyền Trung Quốc". Ảnh: Wiki

 

Cũng vào giữa tháng một, một máy bay dân dụng Trung Quốc ngang nhiên hạ cánh xuống đá Chữ Thập. Hành khách được cho là người thân của những binh lính đồn trú trái phép tại đây. Ảnh: Sina

Cuối tháng một, Trung Quốc bàn giao tàu hộ vệ tên lửa Type 056A mang tên Kinh Môn 506 cho Hạm đội Nam Hải. Type 056A là lớp tàu hộ vệ hạng nhẹ của Trung Quốc, có thể trang bị nhiều loại vũ khí, có khả năng tàng hình tốt và độ tích hợp thông tin hóa cao. Bắc Kinh nói rằng việc điều tàu nhằm "tăng cường khả năng chiến đấu" tại khu vực Biển Đông. Ảnh: Xinhua

Máy bay dân dụng thương mại của Trung Quốc hôm 6/2 hạ cánh trái phép tại đảo Phú Lâm, quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Bắc Kinh đã cải tạo, nâng cấp đường băng phi pháp trên đảo này, cho phép cất hạ cánh máy bay cỡ lớn, chẳng hạn như Boeing 737 có sức chứa đến 200 người. Ảnh: CCTV

The Diplomat tuần trước đăng bài viết tố cáo Trung Quốc đã xây dựng một căn cứ trực thăng trái phép trên đảo Quang Hòa trong nhóm Lưỡi Liềm, quần đảo Hoàng Sa. Nước này còn nạo vét và bồi lấp phi pháp tại đảo Cây và đảo Bắc, cũng thuộc quần đảo Hoàng Sa. Ảnh: Victor Robert Lee & Digital Globe

Fox News hôm 16/2 dẫn ảnh vệ tinh từ ImageSat International (ISI) chụp trong hai ngày 3 và 14/2, cho thấy quân đội Trung Quốc đã điều động hệ thống tên lửa đất đối không HQ-9 đến đảo Phú Lâm. Một quan chức Mỹ và cơ quan phòng vệ Đài Loan đã xác nhận điều này. HQ-9 có tầm bắn 200 km, tạo ra mối đe dọa cho mọi loại phi cơ, dù là dân sự hay quân sự, bay gần khu vực.

Giới chuyên gia lo ngại việc triển khai tên lửa có thể khởi đầu cho loạt động thái quân sự dồn dập trong tương lai của Bắc Kinh trên Biển Đông. Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Trung Quốc nói rằng các thiết bị phòng vệ đã được lập ra ở "những đảo và đá liên quan" trong nhiều năm, và ngang ngược nói rằng nước này có quyền triển khai các thiết bị tại đây. Ảnh: ISI

 

Phương Vũ