Thứ tư, 13/2/2019, 15:03 (GMT+7)

Hy vọng về bước ngoặt tại thượng đỉnh Trump - Kim

Giới chuyên gia cho rằng Trump và Kim cần vượt ra khỏi những tuyên bố trừu tượng ở Singapore và bắt tay vào những hành động cụ thể.

Trump (phải) và Kim Jong-un tại hội nghị thượng đỉnh ở Singapore tháng 6 năm ngoái.

Trump (phải) và Kim Jong-un tại hội nghị thượng đỉnh ở Singapore tháng 6 năm ngoái. Ảnh: Reuters.

Tổng thống Mỹ Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un dự kiến sẽ gặp nhau tại Việt Nam vào cuối tháng hai, 8 tháng sau khi hội nghị thượng đỉnh đầu tiên ở Singapore đưa ra cam kết mơ hồ về việc thiết lập quan hệ thân thiện và làm việc hướng tới phi hạt nhân hóa nhưng không có lộ trình cụ thể.

"Hội nghị thượng đỉnh tiếp theo sẽ cho chúng ta thấy phi hạt nhân hóa có thể thực sự xảy ra hay không, có thể thực hiện đến mức độ nào và mất bao lâu", Duyeon Kim, chuyên gia tại Trung tâm An ninh Mỹ mới, có trụ sở tại Seoul, nhận xét.

Các chuyên gia cho rằng Trump và Kim cần vượt ra khỏi những tuyên bố trừu tượng ở Singapore. Hàn Quốc đã bày tỏ hy vọng cuộc gặp sẽ là bước ngoặt để loại bỏ hạt nhân khỏi bán đảo. Để đạt được điều đó, họ cần bắt tay vào những hành động cụ thể, theo Washington Post.

Joseph Yun, nhà thương thuyết hàng đầu của Mỹ với Triều Tiên năm 2016 - 2018, hiện là cố vấn cấp cao của Viện Hòa bình Mỹ, cho rằng nếu hội nghị lần này vẫn diễn ra với kịch bản giống như ở Singapore thì Triều Tiên sẽ được hưởng lợi. Họ có thể "câu giờ" và thể hiện mình như một quốc gia hạt nhân.

Để tránh điều đó, Trump và Kim "cần phải thống nhất một số khuôn khổ, và đạt được kết quả có ý nghĩa trong khoảng thời gian hợp lý", Yun nói.

Chuyên gia này cho rằng việc đạt được thỏa thuận với Triều Tiên không phải là điều bất khả thi. Kim Jong-un đã cam kết dỡ bỏ địa điểm xử lý hạt nhân quan trọng nhất của mình tại Yongbyon nếu Mỹ thực hiện các bước tương ứng, đồng thời tuyên bố trong bài phát biểu năm mới rằng Bình Nhưỡng đã ngừng sản xuất vũ khí.

Nếu Mỹ có thể khiến Kim Jong-un xác nhận những cam kết này, cho phép các thanh tra quốc tế đến xác minh việc tháo dỡ Yongbyon, đó sẽ là tiến bộ quan trọng, Yun nhận định.

Đổi lại, Kim Jong-un có khả năng yêu cầu nới lỏng lệnh trừng phạt, Mỹ có thể cho phép các dự án hợp tác kinh tế giữa hai miền bán đảo Triều Tiên được tiến hành, Yun nói.

Tuy nhiên, lo ngại đang gia tăng ở Nhật Bản và những người bảo thủ Hàn Quốc rằng Trump có thể chỉ tập trung thúc giục Triều Tiên loại bỏ các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, đặc biệt là sau khi Ngoại trưởng Mike Pompeo nói với Fox News hồi đầu tháng một rằng mục tiêu chính của quá trình là "an ninh của người dân Mỹ". Điều này khiến các nước láng giềng của Triều Tiên vẫn có nguy cơ bị tấn công bằng những tên lửa tầm ngắn hơn.

"Có thể dễ hiểu rằng Mỹ chủ yếu quan tâm đến các tên lửa tầm xa có thể đặt ra đe dọa với lục địa Mỹ", cựu quan chức ngoại giao Mỹ Mintaro Oba nói. Tuy nhiên, "Washington đã đưa ra cam kết quốc phòng với các đồng minh và điều quan trọng là họ tìm cách giảm bớt mối đe dọa không chỉ cho chính mình mà còn cho các đối tác trong khu vực".

Đó cũng là nỗi lo lắng được phản ánh trong bài xã luận trên báo Hàn Dong-A Ilbo vào cuối tháng một, cảnh báo rằng Mỹ có thể đề nghị rút một số quân khỏi Hàn Quốc để đổi lấy việc Triều Tiên loại bỏ tên lửa tầm xa, khiến Hàn Quốc lâm vào thế dễ bị tổn thương.

Oba nhận định hội nghị thượng đỉnh có thể tạo ra bầu không khí tích cực, giảm căng thẳng và xây dựng mối quan hệ giữa hai lãnh đạo. Nhưng ông ít lạc quan về cơ hội hai bên có tiến bộ thực sự đối với phi hạt nhân hóa, khi không bên nào có nhiều dấu hiệu thay đổi lập trường.

"Những trở ngại vẫn còn rất lớn", ông nói. "Washington càng nhấn mạnh những mục tiêu tham vọng thì càng có nguy cơ hội nghị thượng đỉnh thứ hai bị coi là thất bại".

Triều Tiên dường như đã gia tăng đòi hỏi từ sau hội nghị thượng đỉnh ở Singapore. Họ muốn các nước tuyên bố rằng Chiến tranh Triều Tiên 1950 - 1953 đã kết thúc (cuộc chiến chưa kết thúc về mặt lý thuyết vì các bên chỉ ký lệnh đình chiến, chưa ký hiệp định hòa bình), nới lỏng các biện pháp trừng phạt, chấm dứt các cuộc tập trận quân sự giữa Mỹ - Hàn và đình chỉ triển khai thiết bị chiến tranh đến bán đảo.

Nhiều chuyên gia lo ngại về việc Kim Jong-un chưa bị yêu cầu giải thích chính xác cách hiểu của Triều Tiên về tuyên bố "phi hạt nhân hóa bán đảo". Đó là câu hỏi trọng tâm để xác định liệu thỏa thuận giữa Mỹ và Triều Tiên có phải là điều khả thi hay không.

Trong khi đó, tờ JoongAng Ilbo cho rằng cuộc gặp Trump - Kim có thể đạt được tiến bộ quan trọng. "Chúng ta cần hít một hơi thật sâu", tờ này viết trong bài xã luận có tựa đề "Cơ hội cuối cùng".

"Đồng hồ đang chạy. Cuộc gặp có thể là một bước ngoặt. Thể hiện sự chân thành đối với phi hạt nhân hóa là con đường duy nhất Triều Tiên nên đi".

Phương Vũ

 

Chia sẻ bài viết qua email