Thứ tư, 24/4/2024
Thứ sáu, 8/5/2015, 14:24 (GMT+7)

Hồi ức đau đớn về Thế chiến II của các cựu binh

Nhiếp ảnh gia người Ukraine Sasha Maslov đã dành 5 năm đến 20 nước để chụp ảnh và lắng nghe những câu chuyện của các cựu binh Thế chiến II. 70 năm sau ngày Đức Quốc xã đầu hàng, chúng trở thành hồi ức xúc động và khó quên của những người còn sống.

Jean-Jacques Auduc, Pháp.
Khi tham gia kháng chiến, tôi mới 13 tuổi. Một trong những nhiệm vụ mà tôi từng thực hiện do quân đội Anh giao phó. Họ nhìn thấy một phi đội máy bay và lo ngại về mục đích của chúng. Tôi cầm diều đi đến đó và nhận ra những chiếc máy bay là giả, chúng được làm từ gỗ. Người Anh đã trả đũa bằng cách thả bom gỗ giả.
Cha mẹ tôi bị đưa đến trại tập trung năm 1943 còn tôi phải tiếp tục di chuyển để lẩn trốn Gestapo (lực lượng cảnh sát bí mật của Đức Quốc xã). Cha tôi sau đó quay về còn mẹ tôi bị bán cho một phòng thí nghiệm. 98% phụ nữ ở đó đều bị giết nhưng mẹ tôi đã trở về. Bà qua đời năm 41 tuổi.

Jack J Diamond, Mỹ.
Tôi bị bắt và quân đội Mỹ gửi một bức điện về nhà thông báo rằng tôi đã mất tích khi đang hoạt động ở Đức. Emgái tôi, lúc đó mới 13 tuổi, nhận bức điện. Vì không muốn làm mẹ tôi, một góa phụ, phải buồn nên em tôi đã giấu nó đi. Mẹ tôi chỉ tìm thấy tờ giấy khi quân đội gửi thêm một bức điện khác nói rằng tôi đã trở thành tù binh chiến tranh. 
Tôi được người Nga giải cứu vào tháng 5/1945 và quay về Miami. 

Takeoka Chisaka, Nhật Bản.
Một buổi sáng tháng 8/1945, tôi trở về sau ca làm đêm ở nhà máy tại Hiroshima. Vừa đến cửa tôi bỗng nghe một tiếng nổ lớn. Tôi bị bắn xa 30 m và đầu bê bết máu. Bom nguyên tử đã nổ.
Khi tìm thấy mẹ, tôi nhận ra mắt của bà bị bỏng nặng. Một bác sĩ nói rằng ông ấy sẽ đến nhưng không có dụng cụ chuyên nghiệp vì thế phải dùng tạm một con dao. Tình cảnh lúc đó giống như địa ngục.
Sau chiến tranh, tôi đã trở thành một nhân viên hòa bình. Vào những năm 1960, tại một cuộc gặp ở Liên Hợp Quốc, tôi đã gặp một trong những người chế tạo ra bom nguyên tử. Ông ấy đã xin lỗi tôi.

Ursula Hoffmann, Ba Lan.
Khi chiến tranh nổ ra, tôi là một thành viên của cơ quan do thám Ba Lan. Chúng tôi nhanh chóng gia nhập Hiệp hội Do thám bán quân sự và chuyển trụ sở đến cùng tòa nhà với Arthur Karl Greiser, người giám sát cuộc chiếm đóng của Đức ở Ba Lan. Khi đó chúng tôi thật dũng cảm. 
Năm 1940, chúng tôi bắt đầu làm việc cho Armia Krajowa, lực lượng kháng chiến chính. Chúng tôi làm nhiệm vụ phân phát thư từ và phá hoại địch. Trong một lần bất cẩn, một số người trong nhóm bị bắt và giết chết. Những người như tôi may mắn hơn. Thậm chí vài người sau này còn đến dự sinh nhật 90 tuổi của tôi.

Ken Smith, Anh.
Tôi bị trúng đạn ở tay vào năm 1944 khi đang làm lính bắn tỉa. Vết sẹo đến giờ vẫn còn. Khi đó, chúng tôi trèo lên một ngọn núi ở đảo Lusin để kích nổ địa điểm này nhưng quân Đức đã chờ sẵn và nã súng. Tôi biết mình đã trúng đạn, tay tôi ướt đẫm.
Sau đó, chúng tôi phát hiện ra một người Đức trong bụi rậm. Tôi vác anh ta lên vai. Sau đó tôi nghe một tiếng nổ bên tai. Anh ta đã tự bắn mình. Tôi nghe thấy tiếng súng của anh ta rơi xuống và nghĩ "mình sẽ có một kỷ vật".
Chúng tôi chèo thuyền trở lại tàu. Tôi bị chảy máu rất nhiều nhưng không nghiêm trọng.

Munshi Ram, Ấn Độ.
Tôi sinh ra trong một gia đình làm nông. Năm 1939 tôi tình nguyện nhập ngũ và được đưa đến thành phố Bareilly đào tạo trong 6 tháng. Chúng tôi được dạy không nao núng và sẵn sàng đối đầu với cái chết.
Sau đó, tôi đến châu Âu. May mắn thay, lúc đó Đức Quốc xã bắt đầu gặp khó khăn. Trung đoàn của chúng tôi đã thực hiện một trận đánh lớn.
Thời gian đã làm phai mờ cả ký ức lẫn đôi mắt của tôi nhưng lịch sử cho thấy rằng phe chúng tôi đã thành công. Sau khi rời quân đội, tôi quay lại công việc của gia đình. Tôi và vợ có hai con trai và một con gái.

Anna Nho, Kazakhstan.
Năm 1937, nhiều gia đình Hàn Quốc bị trục xuất khỏi Liên Xô. Gia đình tôi bị chuyển từ Vladivostok đến Kazakhstan. Chúng tôi sống trong những ngôi lều. Trời lạnh đến nỗi ngày nào cũng có người chết. Chú tôi không chấp nhận cuộc sống ấy nên đã đi bộ đến Moscow đến gặp Stalin. Họ từng gặp nhau trước đó. Tất cả chúng tôi nghĩ rằng ông ấy đã chết nhưng ông ấy đã làm được điều đó.
Ông ấy ăn mặc như một người vô gia cư để đến điện Kremlin. Cuối cùng, ông cũng được vào và Stalin vẫn còn nhớ ông ấy. Stalin đã cử ông ấy đến giúp mọi người trồng lúa ở Kavkaz. Sau đó, chúng tôi nhìn thấy thông tin ông ấy đang tìm kiếm chúng tôi ở trên báo và đoàn tụ với nhau. 

Herbert Killian, Áo.
Tôi nằm trong tổ chức Thanh niên Hitler suốt 12 năm. Tôi không cuồng mộ chế độ này. Năm 15 tuổi, tôi nhập ngũ. Năm 1943, tôi là thành viên của Luftwaffe (đơn vị tác chiến trên không của quân đội Đức).
Tháng 12/1944, tôi nằm trong một đơn vị quân đội phải hành quân từ Đức sang Bỉ vì tất cả các phương tiện vận tải đã bị phá hủy. Chúng tôi rơi vào đói khát. Cả chuyến đi, chúng tôi phải săn hươu làm thức ăn cho binh sĩ. Chúng tôi may áo ấm mùa đông từ rèm và đệm. Tôi thật may mắn khi còn sống sót.

Nicola Struzzi, Italy.
Năm 1942, tôi được gọi nhập ngũ khi đang làm thu vé xe điện ở San Lorenzo. Tôi đã trải qua khóa huấn luyện nhảy dù rồi sau đó chuyển đến Tunisia. Máy bay của chúng tôi bị tấn công và rơi trước khi chúng tôi đến nơi. Chúng tôi bị lính Đồng minh bắt giữ.
Sau đó, tôi bị đưa vào các trại tù. Tại khu trại ở Casablanca, tôi trốn thoát và bị phát hiện khi đang nấp trong một máy bay chở thư đến Italy. Tôi bị tra tấn bằng điện. Sau đó, tôi lại tìm đường về nhà bằng cách trốn trong một tàu hàng. Thật kinh ngạc là gia đình tôi chưa bao giờ từ bỏ hy vọng.

Ichiro Sudai, Nhật Bản.
Tôi nằm trong phi đội kamikaze (phi đội cảm tử Thần phong) nhưng chiến tranh kết thúc trước khi tôi được triển khai. Các phi công kamikaze thường tổ chức tiệc chia tay và uống rượu sake nhưng đến cuối cuộc chiến, chúng tôi thậm chí không có sake mà chỉ uống nước.
Xương cốt của các phi công kamikaze không được trả về cho gia đình. Vì thế, chúng tôi đã cắt tóc và móng tay của mình rồi đặt chúng vào một phong bì để nhắn gửi về nhà.
Tôi không sợ chết. Nếu chết thì đó là số phận của tôi khi làm một phi công. Mọi người khi đó đều bị tẩy não.
Sau chiến tranh, tôi sống với những sở thích của mình. Tôi viết thơ, trồng hoa và chạy bộ rất nhiều. Đến nay tôi vẫn có một cơ thể khỏe mạnh.

Anh Ngọc (Ảnh: Guardian)