Thứ tư, 24/4/2024
Thứ tư, 22/8/2018, 19:00 (GMT+7)

Dàn khí tài phòng không tại triển lãm quân sự lớn nhất Nga

Quân đội Nga giới thiệu nhiều tổ hợp phòng không hiện đại trong khuôn khổ triển lãm kỹ thuật quân sự Army-2018.

Bộ Quốc phòng Nga hôm qua khai mạc triển lãm kỹ thuật quân sự Army-2018, hội chợ quốc phòng thường niên lớn nhất nhằm trình diễn những khí tài quân sự tối tân của nước này, trong đó có nhiều tổ hợp phòng không mới được phát triển hoặc từng trải qua tác chiến thực tế. Army-2018 diễn ra tại công viên Patriot ở thủ đô Moskva từ ngày 21/8 đến 26/8, theo Livejournal.

Trong ảnh là xe chở, phóng đạn và radar (TELAR) 9M317M thuộc tổ hợp phòng không tầm trung Buk-M3 ở trạng thái triển khai. Mỗi xe được trang bị radar mảng pha và 6 ống phóng với tầm bắn tối đa 70 km.

Đây là phiên bản cải tiến đáng kể so với dòng Buk-M2 được Nga biên chế năm 2008, vốn chỉ có thể diệt mục tiêu từ cách 50 km và trang bị 4 quả đạn nằm lộ bên ngoài, không có ống bảo quản như Buk-M3.

Radar cảnh giới và điều khiển hỏa lực 9S36M của tổ hợp Buk-M3 ở trạng thái sẵn sàng chiến đấu.

9S36M sử dụng đài radar dẫn bắn cùng loại với xe TELAR 9M317M. Tuy nhiên, ưu điểm của nó là được đưa lên cao, cho phép phát hiện đối phương từ khoảng cách xa hơn xe 9M317M, cũng như tăng khả năng bám bắt các mục tiêu bay sát mặt đất như tên lửa hành trình và tiêm kích.

Xe phòng không tự hành "Derivatsiya-PVO" được đặt trên khung gầm xe chiến đấu bộ binh BMP-3, trang bị tổ hợp pháo phòng không tự động cỡ nòng 57 mm. Loại vũ khí này cho phép Derivatsiya-PVO đối phó hiệu quả với mục tiêu như tên lửa hành trình và phi cơ bay thấp, cũng như xe thiết giáp và công sự kiên cố của đối phương.

Xe chiến đấu thuộc tổ hợp phòng không lục quân Tor-M2, cùng tên lửa 9M338KE phía trước và module chiến đấu 9M334D (bên trái).

Tor-M2 là tổ hợp phòng không tầm ngắn được tập đoàn Almaz-Antey ra mắt vào năm 2007, có nhiệm vụ bảo vệ các đoàn xe cơ giới và tăng thiết giáp trên chiến trường, cũng như các công trình cố định trước các đòn không kích bằng tên lửa hành trình, trực thăng và tiêm kích bay thấp của đối phương.

Mỗi xe chiến đấu thường được trang bị 8 quả đạn 9M331, hoặc 16 tên lửa 9M338KE có kích thước nhỏ hơn. Tor-M2 có thể tấn công tối đa 4 mục tiêu cùng lúc từ khoảng cách 16 km và độ cao 10 km.

Đài radar, xe phóng và các ống phóng thuộc hệ thống phòng không lục quân S-300VM "Antei-2500", được thiết kế để đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung, cũng như tên lửa hành trình và các loại vũ khí thông minh.

Antei-2500 có khả năng diệt các mục tiêu thông thường từ cách 200 km, đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm trung ở khoảng cách 250 km.

Đài radar cảnh giới ba tọa độ 59N6-E "Protivnik-GE", được thiết kế để phát hiện và cung cấp tham số chính xác của nhiều loại mục tiêu đường không từ khoảng cách tới 600 km và độ cao 200 km.

Tổ hợp tác chiến điện tử Krasukha-2, có khả năng gây nhiễu máy bay cảnh báo sớm và chỉ huy của đối phương từ khoảng cách tới 250 km.

Krasukha-2 cũng đủ sức vô hiệu hóa nhiều loại radar trang bị cho tên lửa dẫn đường, tạo mục tiêu giả để bảo đảm an toàn cho khí tài mặt đất khỏi các đợt không kích quy mô lớn. Đây là lá chắn không thể thiếu trong đội hình tác chiến của những tổ hợp vũ khí quan trọng như tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander.

Hàng loạt tổ hợp tác chiến điện tử hiện đại do Tập đoàn công nghệ vô tuyến - điện tử (KRET) của Nga phát triển, trong đó bao gồm hệ thống Krasukha-4 đang được triển khai tại Syria.

Krasukha-4 được thiết kế để bảo vệ sở chỉ huy, các nhóm quân tập trung, hệ thống phòng không, cơ sở công nghiệp quan trọng trước hệ thống trinh sát đường không và vũ khí chính xác của đối phương. Máy gây nhiễu chủ động băng thông rộng của Krasukha-4 có thể đối phó hiệu quả với hầu hết radar hiện đại của Mỹ và NATO hiện nay.

Bản nâng cấp mới nhất mang tên P-18-2 của đài radar nhìn vòng hai tọa độ P-18 do tập đoàn Nitel giới thiệu.

Dòng radar P-18 được Liên Xô biên chế từ năm 1970, chuyên cung cấp tham số tầm và hướng của mục tiêu cho các tổ hợp tên lửa S-75 và S-125, cũng như đóng vai trò cảnh giới độc lập. Việc sử dụng băng sóng mét giúp đài P-18 phát hiện được các loại máy bay tàng hình hiện đại, hỗ trợ quá trình đánh chặn.

Tổ hợp phòng không tầm ngắn Sosna, gồm bệ chiến đấu với 12 quả đạn 9M337 "Sosna-R" đặt trên xe thiết giáp đa dụng MT-LB.

Quân đội Nga vừa hoàn thành thử nghiệm cấp nhà nước với tổ hợp Sosna hồi năm ngoái. Loại vũ khí này có thể đánh chặn mục tiêu từ khoảng cách 10 km, dự kiến thay thế các xe chiến đấu Strela-10 trong biên chế lục quân Nga hiện nay.

Xe chiến đấu Strela-10M3 (trái) với 4 tên lửa tầm nhiệt 9M37M có tầm bắn 5 km. Tổ hợp này được đưa vào biên chế từ năm 1981 và đang dần được loại khỏi lực lượng chiến đấu của Nga.

Xe phóng đạn của tổ hợp phòng không tầm ngắn Gibka-S, gồm bệ phóng và 4 tên lửa phòng không vác vai Igla-S hoặc Verba đặt trên khung gầm xe việt dã Tigr.

Mỗi tổ hợp Gibka-S gồm một xe chỉ huy trang bị radar cảnh giới cùng tối đa 6 xe phóng đạn, mỗi chiếc có thể đánh chặn mục tiêu trong bán kính 6 km.

Ảnh: Said Aminov