Thứ năm, 25/4/2024
Thứ sáu, 27/3/2015, 12:10 (GMT+7)

5 vụ phi công lái máy bay chở khách tự sát

Thông tin cho rằng phi công của hãng Germanwings cố ý gây tai nạn khiến toàn bộ 150 người trên khoang thiệt mạng khiến cả thế giới choáng váng, tuy nhiên đây không phải là vụ việc đầu tiên được ghi nhận trên thế giới.

Ngày 29/11/2013, chuyến bay mang số hiệu TM470 thuộc hãng hàng không LAM Mozambique Airlines khởi hành từ Maputo, thủ đô của Mozambique, vào lúc 11h26 (giờ địa phương), dự kiến hạ cánh tại Luanda, thủ đô Angola, vào 14h10. Máy bay đã đạt đến độ cao hành trình (hơn 11.500 m) và liên lạc với trạm kiểm soát không lưu Gaborone. Tuy nhiên, vào khoảng 13h09 máy bay đột ngột hạ độ cao trong 7 phút và lao đầu xuống khu vực vườn quốc gia Bwabwata, Namibia. Cú va chạm mạnh khiến toàn bộ 33 người trên khoang thiệt mạng. Trong ảnh là một phần mảnh vỡ của máy bay. Ảnh: 1001 Crash

Vài phút trước khi máy bay rơi, cơ phó rời buồng lái đi vệ sinh. Cơ trưởng Dos Santos Fernandes ngay sau đó điều khiển máy bay thay đổi độ cao bằng tay. Vận tốc của máy bay được điều chỉnh vài lần. Trong suốt quá trình hạ độ cao, cơ trưởng cũng dùng phanh để thay đổi độ chúi mũi của máy bay.

Từ thiết bị ghi âm buồng lái, có thể nghe thấy tiếng người đập lên cửa buồng để can thiệp nhưng bất thành. Hiện chưa rõ nguyên nhân dẫn đến vụ việc.

Một số nguồn tin cho biết con trai của cơ trưởng đã chết khoảng một năm trước khi thảm họa xảy ra và đây là lý do chính khiến ông tự sát. Cơ trưởng cũng gặp nhiều rắc rối trong hôn nhân. Ảnh: Xinhua

Ngày 31/10/1999, 30 phút sau khi cất cánh từ trạm quá cảnh sân bay quốc tế John F. Kennedy, New York, Mỹ, đi Cairo, Ai Cập, chiếc Boeing 767 mang số hiệu MS990 thuộc hãng hàng không EgyptAir chở theo 217 hành khách cùng 14 thành viên tổ bay đã lao xuống Đại Tây Dương với tốc độ rất nhanh. Một số báo cáo ghi nhận chiếc phi cơ hạ độ cao từ gần 11.000 mét xuống 5.800 mét chỉ trong vòng nửa phút. Cú bổ nhào khiến máy bay vỡ tan thành nhiều mảnh. Trong ảnh là phần còn lại của máy bay được tìm thấy. Ảnh: Linternaute

Phi cơ biến mất khỏi màn hình radar kiểm soát khi ở độ cao 8.000 mét. Các mảnh vỡ sau đó được tìm thấy trong một khu vực tương đối rộng trên Đại Tây Dương. Không ai sống sót.

Kết quả điều tra cho thấy phi công Gamal al-Batouti đã lẩm bẩm một cụm từ gì đó bằng tiếng Arab, dường như là "con phó thác mình cho thánh thần" nhiều lần ngay trước thời khắc máy bay rơi. Hệ thống lái tự động bị ngắt kết nối.

Dựa vào kết quả phân tích tác động lên phần đuôi phi cơ, các chuyên gia miêu tả al-Batouti, ngồi bên trái, đã đẩy cần lái để máy bay bổ nhào trong khi người còn lại vật lộn cố gắng ngăn cản ông ta và nâng máy bay lên nhưng không thành công. Trong ảnh là băng từ bên trong thiết bị ghi dữ liệu chuyến bay. Ảnh: Murderpedia

Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ (NTBS) kết luận vụ tai nạn không xuất phát từ nguyên nhân kỹ thuât. Phía Ai Cập phủ nhận thông tin cho rằng phi công al-Batouti cố tình lái máy bay đâm xuống biển. Trong ảnh là các mảnh vỡ của phi cơ do đội tìm kiếm cứu hộ trục vớt được. Ảnh: US Coast Guard

Ngày 19/12/1997, chuyến bay số hiệu 185 thuộc hãng hàng không SilkAir của Indonesia khởi hành từ Jakarta, Indonesia, đi Singapore rơi xuống dòng sông Musi, gần Palembang, miền nam Sumatra, khiến 97 hành khách cùng 7 thành viên tổ bay thiệt mạng. Ảnh: Indonesia Travel

Đội điều tra của kết luận máy bay rơi là hệ quả từ một chuỗi hành động có ý thức của cơ trưởng. Chiếc Boeing 737 do Tsu Way Ming, phi công người Singapore, điều khiển, rơi từ độ cao 10.668 mét xuống sông chỉ trong vòng một phút. Máy bay lao nhanh đến nỗi nó gần đạt tốc độ siêu thanh trước khi vỡ tan. Vụ việc khiến toàn bộ 104 người trên khoang thiệt mạng.

Thiết bị ghi âm buồng lái bị phá. Theo các chuyên gia, tình huống này chỉ có thể xảy ra khi có ai đó chủ ý vô hiệu hóa mạch điện tử từ bên trong.

Theo một nhà báo người Australia trực tiếp tham gia quá trình điều tra tai nạn, có thể cơ trưởng đã lợi dụng lúc cơ phó ra khỏi buồng lái để thực hiện hành vi trên. Một số báo cáo cho biết cơ trưởng có nhiều vấn đề cá nhân nghiêm trọng. Trong ảnh một sĩ quan hải quân Indonesia đang cầm mảnh vỡ được cho là cánh quạt động cơ máy bay. Ảnh: Reuters

Ngày 21/8/1994, cơ trưởng 32 tuổi của chuyến bay số hiệu 630 thuộc hãng hàng không quốc gia Maroc đã ngắt thiết bị lái tự động và chủ ý lao chiếc phi cơ ATR-42 vào một dãy núi, chỉ khoảng 10 phút sau khi cất cánh từ sân bay quốc tế Al Massira. Tất cả 44 người trên khoang thiệt mạng.

Truyền thông đưa tin tại thời điểm xảy ra thảm họa, cơ trưởng đang gặp rắc rối trong quan hệ tình cảm. Trong ảnh là một phần mảnh vỡ máy bay tại hiện trường. Ảnh: French News

Ngày 9/2/1982,  chuyến bay số hiệu 350 thuộc hãng hàng không Japan Airlines khởi hành từ Fukuoka, Nhật Bản, đi Tokyo, rơi khi đang chuẩn bị hạ cánh tại sân bay Haneda, trên vịnh Tokyo. Vụ việc khiến 24 người trong tổng số 174 người trên khoang thiệt mạng.

Theo kết quả điều tra, cơ trưởng Seiji Katagiri, 35 tuổi, cố ý lao chiếc máy bay DC-8, 4 động cơ, xuống biển bằng cách can thiệp vào chu trình hoạt động của động cơ.

Cơ phó và kỹ sư phụ trách đã cố gắng dùng vũ lực ngăn cản cơ trưởng. Âm thanh từ thiết bị ghi âm buồng lái cho thấy một số người trên khoang đã hét lớn "xin đừng làm vậy" để thuyết phục ông. Trong ảnh nhà chức trách Nhật Bản đang tiếp cận phần thân đã bị vỡ của chiếc phi cơ. Ảnh: UPI Radio

Chiếc máy bay đâm xuống một vùng nước nông gần đường băng nhưng với tốc độ tương đối chậm. Cơ trưởng Katagiri bị nghi ngờ có vấn đề về thần kinh. Hãng hàng không cũng thừa nhận ông "mắc bệnh tâm thần" từ cuối năm 1980 nhưng đã được kiểm tra và vẫn đủ điều kiện để thực hiện nhiệm vụ. Trong ảnh, các nhân viên cứu hộ đang thu dọn hiện trường, tìm kiếm nạn nhân. Ảnh: AP

Vũ Hoàng (tổng hợp)