Thứ sáu, 29/3/2024
Thứ hai, 19/9/2016, 10:17 (GMT+7)

5 ngày ở quốc gia bí ẩn nhất thế giới Triều Tiên

Khách tham quan chứng kiến phụ nữ mặc trang phục truyền thống đi dạo ở Bình Nhưỡng, thanh niên hăng say học tập ở thư viện quốc gia, nơi phòng nào cũng treo ảnh hai cố chủ tịch.

Cuối tháng 8, đoàn khách Trung Quốc từ sân bay Thái Nguyên, thủ phủ tỉnh Sơn Tây, đáp máy bay của hãng hàng không Triều Tiên Air Koyro tới thủ đô Bình Nhưỡng, Triều Tiên, bắt đầu chuyến tham quan 5 ngày tới một trong những quốc gia bí ẩn nhất thế giới.

Phi cơ của Triều Tiên do công ty Antonov ASTC của Ukraine sản xuất, có 73 chỗ ngồi. Tiếp viên đều nói tiếng Trung lưu loát. Một vị khách mang thẻ nhớ máy ảnh 32G do Samsung sản xuất buộc phải bỏ lại, vì Samsung là công ty Hàn Quốc, quốc gia đang có mâu thuẫn với Triều Tiên.

Bữa ăn trên máy bay có cà ri bò với cơm, gà nướng, thịt lợn tẩm bột chiên xù, rau củ xào và bánh mỳ ăn kèm bơ, mứt dâu.

Sau hơn hai tiếng, máy bay đáp xuống sân bay Bình Nhưỡng. Hướng dẫn viên du lịch có 1/4 dòng máu lai Nga, giọng nói rất êm tai. Mỗi lần nhắc tới lãnh đạo Kim Jong-un, cô không gọi thẳng tên, mà dùng những từ như "chủ tịch, tướng quân, đồng chí" để gọi. Người nước ngoài cũng không được phép gọi thẳng tên nhà lãnh đạo trẻ.

Ngày đầu tiên, đoàn khách tham quan nội đô Bình Nhưỡng. Điểm đến đầu tiên là Đại học đường Nhân dân, nằm gần quảng trường Kim Nhật Thành. Nhiều phụ nữ Bình Nhưỡng mặc trang phục truyền thống khi ra đường. 

Một cô gái mặc bộ váy xanh hướng dẫn đoàn khách tham quan Đại học đường. 

Đại học đường tương đương với thư viện quốc gia. Công dân đủ 17 tuổi được phép vào đây nghe giảng. Thư viện tổ chức diễn giảng và các lớp tập huấn định kỳ. Những người đến nghe giảng đa phần là thanh niên, muốn nâng cao trình độ làm việc. Mỗi gian phòng đều treo ảnh hai lãnh đạo Kim Nhật Thành và Kim Jong-il.

Bắt đầu từ năm 2012, Triều Tiên thực hiện chính sách giáo dục bắt buộc 12 năm. Mọi công dân học xong cấp hai, có thể lựa chọn đi bộ đội, lên đại học hoặc đi làm. Tỷ lệ học lên đại học là 50%. Những người đã đi làm có thể tiếp tục học thêm để nâng cao trình độ. Họ đều lựa chọn học thêm tiếng Anh hoặc tiếng Trung. 

Đài Vạn Thọ nằm gần quảng trường Kim Nhật Thành, là nơi đặt tượng đồng hai vị lãnh tụ. Người đến viếng chỉ được phép đặt hoa cúc, không được phép chạy nhảy, cười đùa, bắt chước tư thế tạo dáng của tượng. 

Từ Bình Nhưỡng, đoàn khách ngồi xe 260 km về phía đông, tới khu thắng cảnh Kumgangsan mất 7 giờ vì đường xấu. Ven đường đều được trang trí bằng tranh cổ động.

Khu du lịch Kumgangsan là một biểu tượng hòa giải giữa Triều Tiên và Hàn Quốc. Toàn bộ công việc thiết kế, khai thác và quản lý thuộc về một công ty Hàn Quốc trong 50 năm, bắt đầu từ năm 2000.

Tuy nhiên, năm 2008, sau vụ một binh sĩ Triều Tiên bắn chết du khách Hàn Quốc, chính quyền Triều Tiên cho đóng cửa khu này. Tới năm 2011, Triều Tiên hủy bỏ quyền kinh doanh của công ty Hàn Quốc, biến thành đặc khu du lịch quốc tế, cho khách nước ngoài đến ở.

Điện thoại di động của người ngoại quốc không sử dụng được ở Triều Tiên. Muốn liên lạc về nước, khách phải dùng điện thoại bàn của khách sạn trong Kumgangsan.

Khu vực phi quân sự (DMZ) giữa Triều Tiên và Hàn Quốc.

Xem thêm: Đội nữ tiếp viên hàng không Triều Tiên

Hồng Hạnh (theo QQ)