![]() |
Một cặp tình nhân ngắm nhìn ánh sáng nhân tạo từ bên trong tháp kính ở bảo tàng Louvre, Paris. Ảnh: NYT. |
"A, ánh sáng cho tôi niềm hạnh phúc!", ông vừa nói vừa sưởi ấm bàn tay bên một chiếc đèn. "Tôi quả thực là may mắn được làm công việc huy hoàng này". Trên thực tế, vị kỹ sư trưởng 64 tuổi này là người chịu trách nhiệm về hệ thống đèn trang trí của cả Kinh đô Ánh sáng. Với lý thuyết và kỹ thuật của mình, ông chỉ huy việc thắp sáng cho hơn 300 tượng đài, công sở, cầu và đại lộ của thủ đô Paris.
Làm việc với 30 chuyên gia trang trí bằng ánh sáng của Tòa thị chính, Jousse góp phần tạo lập các dự án chiếu sáng, trình lên thị trưởng để xin ngân sách, trình bày với các chuyên gia, làm việc với các thế lực có liên quan như Nhà thờ, giải quyết các sự cố kỹ thuật trên khắp thành phố.
Jousse trở thành chuyên gia trang trí ánh sáng đô thị nổi tiếng thế giới một cách tình cờ. Là dân gốc Paris, ông được nhận một công việc trong phòng kỹ thuật của tòa thị chính ngay sau khi tốt nghiệp hồi năm 1963. Công việc đầu tiên là tham gia nạo vét các con kênh trong nội ô Paris, để các thuyền lớn có thể đi lại được.
Năm 1971, ông được giao phụ trách 3.000 công nhân làm công việc thu dọn rác cho ba quận. Vài năm sau, Jousse tạo các đường đi bộ cho khách bộ hành. Năm 1981, một người sếp lại yêu cầu ông chuyển việc. "Ông ấy cần một ai đó không bị chi phối bởi công việc hàng ngày và có thể ngẫm nghĩ một chút về chiếu sáng", ông kể. "Tôi có biết chút ít về điện và lúc đó lại là một tay chụp ảnh a-ma-tơ. Thế nên ông ấy tạo ra việc này cho tôi".
Khi đó, hầu hết các tượng đài của Paris hoặc không được chiếu sáng hoặc được chiếu một cách thô thiển bằng những cái đèn to tướng, thẳng vào chính diện. Jousse đã tìm kiếm các kiến trúc sư đô thị và chuyên gia chiếu sáng nghệ thuật để tập hợp ý tưởng và huấn luyện kỹ thuật.
Cuối cùng ông lập ra một phòng thí nghiệm cho Paris, nơi ông cùng cá cộng sự thử nghiệm, chế tạo và xem xét hiệu quả ánh sáng. Hiện nay Paris chi 260.000 USD mỗi ngày cho việc chiếu sáng.
![]() |
Tháp Eiffel trong đêm. Ảnh: NYT. |
Nhưng không phải mọi việc lúc nào cũng trơn tru. Dự án 2,1 triệu USD nhằm thiết kế lại công trình chiếu sáng cho Nhà thờ Đức Bà - trải qua nhiều chặng gian nan trước khi được thực thi.
Suốt nửa thế kỷ qua, mặt phía nam của nhà thờ chỉ được chiếu sáng bằng ánh hắt của đèn từ bờ sông Seine. Dự án chiếu sáng mới nhằm để khách ngắm cảnh được khám phá mặt tiền của nhà thờ một cách từ tốn, đi sâu vào chi tiết.
Nhưng bởi đây là biểu tượng quốc gia, Nhà thờ Đức Bà thuộc về Nhà nước Pháp, và đội ngũ kiến trúc sư và sử gia của nhà nước có quyền phủ quyết bất kỳ quyết định nào liên quan đến thiết kế. Những viên đá của nhà thờ là bất khả xâm phạm, một số bức tường của tòa nhà này cũng không được phép khoan. Mọi việc di chuyển vật liệu ra hay vào trong nhà thờ đều phải tiến hành ban đêm để không ảnh hưởng đến du khách.
Một khó khăn khác đến từ các giáo sĩ. Các nhà thiết kế định chiếu sáng các cửa sổ chạm hoa hồng từ phía bên trong, để người xem có thể nhìn thấy toàn bộ màu sắc của cửa. Thế nhưng các thầy tu cho rằng ý kiến này là báng bổ thánh thần. "Rất rất khó khăn khi bàn chuyện với họ", Jousse kể lại. "Họ tố cáo chúng tôi làm vẩn đục đức tin. Họ tố cáo chúng tôi định biến Nhà thờ Đức Bà thành Disney Land".
Chỉ 4 ngày trước khi thị trưởng Bertrand Delanoë chính thức ký khởi động dự án chiếu sáng mặt phía nam của nhà thờ, Jousse chợt nhận ra có điều gì đó sai lầm.
Chuyến đi ngắn của ông tới Lyon tham dự lễ hội ánh sáng thường niên cho ông thấy rằng cần làm nhiều việc nữa ở Nhà thờ Đức Bà. Lyon có trường riêng dạy về nghệ thuật chiếu sáng, theo đó, cần những đốm sáng nhỏ để làm bật lên những đường nét và chi tiết trang trí tinh xảo của kiến trúc Baroque, và điều đó sẽ cho hiệu ứng đặc biệt.
Trường phái của Paris lại là dùng chùm sáng rộng, ấm và êm, chiếu lên toàn bộ kiến trúc. "Thế thì sẽ có những khoảng tối", Jousse tự nhủ.
Những cuộc hội ý khẩn cấp bắt đầu, và chỉ đêm trước cuộc khai mạc, các thợ điện bận rộn gắn thêm những chiếc đèn nhỏ. "Giờ đây, ánh sáng ở trên đỉnh đã mạnh hơn, vì thế bạn cảm thấy huy hoàng hơn, và gần với thiên đường hơn".
Jousse không có dáng vẻ của một công chức, ông để bộ râu dài của mình theo cách "bụi bặm". Với chiếc Renaul trắng có gắn biển đặc biệt trên kính, ông lượn khắp Paris, đỗ ở bất kỳ chỗ nào ông muốn, kể cả trên con đường lát đá dẫn vào nhà thờ Đức Bà hay trên cái bến nhỏ phía trước bảo tàng d'Orsay.
Ông thuộc làu lịch sử chiếu sáng Paris: thành phố được thắp sáng năm 1318 khi vua Philip V ra lệnh thắp nến liên tục ở 3 địa điểm; cột đèn đường ở Paris được phát minh hồi thế kỷ 18 như thế nào, Paris có cái tên Kinh đô Ánh sáng tại cuộc triển lãm ánh sáng nhân tạo năm 1900 như thế nào.
20.000 ngọn đèn nhấp nháy trên tháp Eiffel, đối với ông, không khác gì "một chiếc đồng hồ", giống như chuông nhà thờ vậy. Để thắp sáng tháp Eifell, thành phố đã chi 5 triệu USD và thuê 40 nhà leo núi, kỹ sư và kiến trúc sư, chịu đựng sự tấn công của gió mạnh, bão, chim bồ câu là lũ dơi trong khi gắn đèn.
Mục tiêu của Jousse là đưa các công trình kiến lúc lịch sử của thành phố hòa vào cảnh quan chung quanh nó, chứ không coi mỗi công trình là một viên ngọc để trưng bày.
"Bí quyết rất đơn giản: đưa ánh sáng đến đúng mục tiêu, không chệch đến chỗ nào khác".
"Hòa trộn ánh sáng với cảnh quan xung quanh, với lịch sử và hiện tại. Đừng làm phiền chim chóc, côn trùng hay láng giềng. Nếu Tòa thị chính cho tôi nhiều tiền, tôi sẽ dùng nó để dạy người dân về vẻ đẹp của ánh sáng. Tôi sẽ biến người dân Paris thành những người chủ của ánh sáng".
T. Huyền (theo IHT)